Quá trình mở rộng điều tra các sai phạm tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), chưa đủ căn cứ xác định ông Nguyễn Văn Kim, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (đã xuất cảnh) là đồng phạm. Tuy nhiên, các manh mối mới nhất về “đường đi” của 9 triệu cổ phần Sadeco có liên quan đến nhiều quan chức TP HCM đã được làm rõ…
Người đóng vai trò rất lớn trong các sai phạm ở Sadeco là ông Tề Trí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Sadeco, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), là một công ty 100% vốn nhà nước do Thành ủy TP HCM quản lý.
Ông Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Sadeco cùng bị đề nghị truy tố về tội tham ô số tiền hơn 1,7 tỷ đồng áp dụng theo Khoản 4 Điều 353 BLHS và bị cáo buộc về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Khoản 3 Điều 219 BLHS.
Điều đáng nói, trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra chưa xác định được vai trò của ông Nguyễn Văn Kim can thiệp, tác động, yêu cầu ông Thành và ông Vinh này biểu quyết phát hành với giá cổ phần như trên. Do đó, kết luận nhận định chưa có căn cứ kết luận ông Kim là đồng phạm trong việc mua 9 triệu cổ phần Sadeco. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Kim (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim được xác định là người trực tiếp cử ông Thành và ông Vinh tham gia vào Sadeco và sau đó đóng vai trò là đại diện theo ủy quyền đối với cổ phần của Công ty này tại Sadeco.
Kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, với khung hình phạt từ 10-20 năm tù. Ông Cang là bị can có liên quan đến quá trình phát hành 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim. Do đó, kết luận điều tra bổ sung cho rằng, ông Cang chịu trách nhiệm với các thất thoát, thiệt hại tương ứng phần sở hữu của Văn phòng Thành uỷ TP HCM tại Sadeco (chiếm 16,7%), tương đương số tiền là hơn 184 tỷ đồng. Dù vậy, theo cơ quan điều tra nhìn nhận quá trình công tác của ông Tất Thành Cang có nhiều thành tích, nhiều đóng góp cho thành phố. Đồng thời, ông Cang thành khẩn, có nhận thức về thiếu sót của bản thân trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra nên được đề nghị xem xét giảm nhẹ trong quá trình xét xử vụ án.
Ngoài các nguyên lãnh đạo của TP HCM và Sadeco, cơ quan CSĐT cũng giữ nguyên quan điểm khởi tố trước đó đối với các ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim và ông Phạm Nhật Vinh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty này (đang bị truy nã). Cả hai đều có vai trò là đại diện Công ty Nguyễn Kim tham gia vào HĐQT Sadeco và trực tiếp biểu quyết việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần.
Mối quan hệ giữa Nguyễn Kim, Sadeco được làm rõ trong các kết luận trước đây, trong đó Sadeco được UBND TP HCM cho thành lập vào năm 1994 (Quyết định 934) nhằm thực hiện chủ trương nhằm sắp xếp lại dân cư, xây dựng các khu định cư mới và thực hiện giải tỏa 2.600ha, quản lý sử dụng và kêu gọi đầu tư, khai thác quỹ đất theo quy hoạch. Đến năm 2015, IPC muốn thoái vốn khỏi Sadeco, đã chủ trương đấu giá 5,3 triệu cổ phần, tương ứng 30,8% vốn tại Sadeco vào thời điểm đó.
Trong vụ án này, phần thiệt hại do thương vụ bán cổ phần cho Nguyễn Kim, kết luận điều tra bổ sung đã xác định được giá trị một cổ phần của Sadeco là 162.571 đồng, chứ không phải 144.489 đồng như trước đây. Do đó, thiệt hại của vụ án phải là hơn 1.103 tỷ đồng, nhiều hơn 160 tỷ đồng so với các điều tra ban đầu. Quá trình Sadeco chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến lúc hai bên chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền và cổ phần cho nhau, kết luận điều tra bổ sung xác định nhà nước không thiệt hại thêm bởi Sadeco chưa từng chia cổ tức cho cổ đông cho đến khi vụ án bị phát hiện và phanh phui.
Theo Lê Anh (Đại Đoàn Kết)