Được trả tự do từ ngày 15-9-1984 sau 16 tháng tạm giam vì nghi vấn trộm cắp, suốt 32 năm qua ông Nguyễn Duy Hiếu vẫn không được cơ quan nào minh oan.
Ông Nguyễn Duy Hiếu - Ảnh: Khoa Nam
“32 năm ròng rã, nỗi ám ảnh là một tên tội phạm trộm cắp tài sản chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí của tôi. Nay tôi chỉ có một ước muốn là được các cơ quan chức năng xóa tội danh trộm cắp khỏi lý lịch của mình, nhưng xem ra không hề đơn giản” - cựu chiến binh 60 tuổi Nguyễn Duy Hiếu nói.
Ông Hiếu kể lại chuyện buồn của đời mình: “Tham gia du kích xã từ năm 1974, đến năm 1977 giải ngũ trở về quê nhà, khi đó (ngụ ấp Hòa Thuận, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) tôi xin vào Bưu điện huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) làm việc.
Rồi một hôm tôi bị công an bắt tạm giam 16 tháng để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.
Cụ thể vào cuối tháng 3-1983, sau khi nhận lương cuối tháng, tôi cùng một người hàng xóm và 5 đồng nghiệp cùng cơ quan hùn tiền tổ chức uống rượu rồi ngủ lại tại căn hộ tập thể phía sau Bưu điện huyện Châu Thành.
Sáng hôm sau vào cơ quan, tôi được cho hay là tối hôm qua bưu điện bị mất một số bưu kiện từ nước ngoài gửi về, chìa khóa kho do cô thủ kho tên Âu Thị Thùy Linh quản lý.
Ba ngày sau, Công an huyện Châu Thành nghi tôi tổ chức uống rượu để trộm cắp tài sản nên bắt tạm giam, có sự phê chuẩn của cơ quan kiểm sát cùng cấp.
Trong suốt 16 tháng bị tạm giam, do tôi không trộm cắp nên cương quyết không nhận tội, công an cũng không thể tìm ra chứng cứ nào để buộc tội tôi.
Ngày 15-9-1984, tôi được trả tự do bằng lệnh “tạm tha” do phó trưởng Ty Công an tỉnh Kiên Giang ký tên, đóng dấu, có phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp”.
Ông Hiếu kể tiếp: “Lệnh tạm tha ghi rõ: “Trong khi chờ kết thúc cuộc điều tra ra quyết định di lý, ra lệnh tạm tha cho bị can Nguyễn Duy Hiếu. Về địa phương phải trình lệnh này cho công an sở tại và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày giờ quy định”.
Ra tù, tôi gần như tuyệt vọng vì mất việc làm. Chán nản, tôi khăn gói về nhà ở xã Nam Thái Sơn cày cục làm ruộng rồi cưới vợ, sinh con. Cuộc sống cứ thế trôi đi.
Nhưng khoảng giữa năm 2014, chính quyền ấp Hòa Thuận thống kê danh sách tội phạm, tôi tá hỏa thấy có tên mình trong đó với tội danh rành rành là “bị can trộm tài sản tại Bưu điện huyện Châu Thành”.
Từ đó tới nay tôi liên tục làm đơn khiếu nại để kêu oan gửi khắp nơi, nhưng chưa có nơi nào giải quyết cho tôi thỏa đáng. 16 tháng tù đâu phải là ngắn, ra tù là mất cả tương lai. Bây giờ tôi cần danh dự hơn là tiền bạc, nhưng ai sẽ trả danh dự lại cho tôi?”.
Không đúng quy định pháp luật Trả lời đơn khiếu nại của ông Hiếu, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành cho rằng việc Cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành bắt giam ông để điều tra về tội trộm cắp tài sản, sau đó thả ra bằng lệnh tạm tha bị can vì lý do không cần thiết giam giữ cho tại ngoại, sau đó không kết luận điều tra vụ án ông có tội hay không có tội là không đúng theo quy định pháp luật. Trong khi đó, Công an huyện Châu Thành trả lời: “Theo quy định tại điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thời hạn khiếu nại của ông Nguyễn Duy Hiếu đã không còn (hơn 30 năm kể từ ngày tạm tha)”.
|
Có thể khiếu nại đòi bồi thường Việc Cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành cho rằng vụ việc của ông Nguyễn Duy Hiếu đã hết thời hiệu khiếu nại là chưa đúng. Ở đây, rõ ràng vụ việc phát sinh kể từ thời điểm giữa năm 2014, lúc ông Hiếu phát hiện danh tính của mình có trong danh sách thống kê tội phạm của chính quyền địa phương. Kể từ thời điểm đó, ông Hiếu đã liên tục làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, cho nên theo luật định, vụ việc của ông Hiếu vẫn còn đang trong thời hiệu giải quyết. Đã bắt tạm giam bị can 16 tháng, sau đó không chứng minh được ông Hiếu phạm tội, lẽ ra cơ quan công an lúc đó phải làm thủ tục đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do chứ không phải “tạm tha” cho ông Hiếu. Ông Hiếu có thể khiếu nại yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường thiệt hại vật chất cho thời gian bị bắt oan sai theo Luật bồi thường nhà nước. Đồng thời cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần và các thiệt hại khác. Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Theo Khoa Nam (Tuổi Trẻ)