Hàng ngàn ý kiến gửi về bày tỏ sự phẫn nộ: Các cháu còn quá nhỏ, không có tội tình gì - đừng vì những cơn ghen mù quáng mà cướp đi mạng sống các cháu?.
Theo tổng đài quốc gia Bảo vệ Trẻ em, 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài tiếp nhận 15.028 ca tư vấn và 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em. Trong 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca).
Từ số liệu trên có thể thấy, số lượng trẻ em bị bạo lực cần giúp đỡ ngày càng gia tăng và đáng báo động.
Trước đó, xã hội dậy sóng vì “dì ghẻ” đánh con chồng đến chết. Kết quả điều tra cho thấy, bé gái N.T.V.A (8 tuổi) sống cùng “dì ghẻ” là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai, tạm trú quận Bình Thạnh) và bố Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ngụ quận 1). Đến nay, CQĐT làm rõ, trong hơn một năm chung sống với người tình và con riêng của Thái tại căn hộ thuê ở chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh), Trang đã nhiều lần hành hạ bé gái 8 tuổi và gây ra cái chết thương tâm cho cô bé vào chiều 22/12/2021.
Vụ việc chưa có hồi kết thì chưa đầy tháng sau, dư luận xã hội lại bàng hoàng về vụ việc cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ bạo hành với 9 chiếc đinh găm trên đầu. Khoảng 17h ngày 17/1, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất tiếp nhận bé Đ.N.A. trong tình trạng hôn mê, co giật. Sau khi được bác sĩ cấp cứu đã chụp phim, làm chẩn đoán và phát hiện 9 dị vật giống đinh trong sọ não bé gái nên đã chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, đồng thời báo Công an huyện Thạch Thất.
Ngày 20/1, Công an TP Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) về hành vi giết người.
Cơ quan điều tra xác định, Huyên chính là người được xác định bạo hành bé Đ.N.A.. Ngoài ra, công an tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị L. (27 tuổi, mẹ của bé A.) và là người tình của Huyên, liên quan vụ án.
Hai vụ bạo hành trẻ gân chấn động đang trong quá trình điều tra xử lý thì tối 17/2, dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi người cha nhẫn tâm mang đứa con gái 5 tuổi của mình ném thẳng xuống sông chỉ vì giận vợ của mình. Hình ảnh được camera ghi lại chỉ có thể đúc kết: Quá độc ác và tàn nhẫn, mất hết tính người.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, khoảng 19h30 ngày 16/2, Trần Văn Viên (30 tuổi) xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau vì ghen tuông với vợ là Lê Thị Ty Na (30 tuổi, cùng ngụ xã Tam Hải)...
Nhiều bạn đọc bày tỏ phẫn nộ: Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án thương tâm đối với các cháu nhỏ, do người lớn gây ra. Vụ cháu bé bị dì ghẻ bạo hành bé 8 tuổi đến chết chưa xử lý thì đến vụ cháu bé bị ghim đinh vào đầu, nay lại vụ bố ném con xuống sông... Quá độc ác và tàn nhẫn, mất hết tính người. Các cháu còn quá nhỏ, không có tội tình gì - đừng vì những cơn ghen mù quáng mà cướp đi mạng sống các cháu... Làm cha làm mẹ cốt để yêu thương, chăm sóc con cái chứ đâu phải để trút đòn roi lên chúng đến chết?
Để những nỗi đau tương tự ít đi...
Trao đổi với VietNamNet luật sư Lê Cao - đoàn luật sư TP Đà Nẵng phân tích, điều 47 Luật trẻ em 2016 có nêu ba cấp độ thực hiện trong yêu cầu bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Luật pháp có nhiều biện pháp được chỉ ra trong cấp độ phòng ngừa như: tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng; cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho những người liên quan; giáo dục, tư vấn kiến thức; xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em…
Như vậy, cấp độ phòng ngừa là vô cùng quan trọng để xác lập được môi trường sống, môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đối với trẻ em. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong thực tế lại rất mơ hồ, không quyết liệt dẫn đến môi trường sống tốt đẹp nhất cho trẻ em không được quan tâm đúng mức.
Theo luật sư Cao, chúng ta thường nhận thấy trẻ em bị xâm hại rồi mới nháo nhào lên, mới thể hiện thái độ, sự căm phẫn, mới đòi hỏi chế tài…Nhưng, cái gốc của vấn đề là làm tốt những giải pháp phòng ngừa, làm sao để tạo dựng môi trường sống tốt đẹp cho trẻ em bằng các kỹ năng, kiến thức, tư duy của chính người lớn chúng ta thì chúng ta lại chưa thực sự bắt tay vào một cách quyết liệt.
"Trẻ em cần được che chở yêu thương từ người thân, gia đình, xã hội với sự quan tâm trân trọng nhất. Có nhiều sự việc xảy ra cho thấy vì những sai lầm, sự ích kỷ của người lớn, sự thiếu yêu thương trọn vẹn dẫn đến con trẻ bị ngược đãi theo.
Nạn bạo hành trẻ em muốn giảm được thì bản thân xã hội cần trong lành, nhân văn hơn, con người trong các mối quan hệ cần quan tâm đến quyền thiêng liêng của con trẻ. Pháp luật với các chế tài nghiêm khắc là một phần, vấn đề thức tỉnh xúc cảm yêu thương trong mỗi con người là điều quan trọng để những nỗi đau tương tự ít đi trong cuộc sống...", lời luật sư Cao.
Ngoài cấp độ phòng ngừa, Luật trẻ em 2016 cũng quy định rất cụ thể các cấp độ hỗ trợ, can thiệp, trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em… để tùy từng trường hợp thì có những phương thức xử lý cụ thể khác nhau. Nhưng trên thực tế, nếu chỉ triển khai với những kế hoạch theo hội đoàn thể, làm lấy lệ và hình thức, không có một lực lượng công vụ hành chính chuyên nghiệp thực thi các kế hoạch bảo vệ trẻ em thì rất khó để đạt được hiệu quả...
Theo Công Sáng - N.Hiền (VietNamNet)