Vận chuyển ôtô qua đường cống
Công ty Tuấn Đông thành lập từ 2005 có trụ sở ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) do Hà Tuấn Dũng là Giám đốc. Công ty này chủ yếu kinh doanh xuất nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh và ôtô.
Tháng 5/2012, sau hơn 7 năm thành lập, Dũng chuyển nhượng 80% vốn góp cho Bùi Tuấn Quảng (33 tuổi, ở TP Móng Cái). Từ đây Quảng, tiếp nhận chức Giám đốc Công ty Tuấn Đông, nhưng thực chất Dũng vẫn đứng sau chỉ đạo, điều hành.
Dũng "mặt sắt". Ảnh: CTV. |
Theo cáo buộc, cuối năm 2012, dù biết pháp luật nghiêm cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) xe ôtô đã qua sử dụng, nhưng Dũng “mặt sắt” vẫn chỉ đạo Quảng tổ chức vận chuyển ôtô đã qua sử dụng từ Hong Kong về cảng Cái Lân, sau đó đưa sang Trung Quốc qua khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh).
Để hợp thức hóa thủ tục kinh doanh TNTX xe ôtô cũ, Dũng hướng dẫn cho Quảng trao đổi với A Dắt (người Trung Quốc), để làm thủ tục ký khống các hợp đồng mua bán ôtô chưa qua sử dụng với những khách hàng không rõ tên, địa chỉ, để vận chuyển ôtô từ Hong Kong về cảng Cái Lân.
Theo thỏa thuận, khi xe chuyển từ Hong Kong về Việt Nam, công ty của Quảng sẽ ứng tiền chi phí vận chuyển 60 triệu đồng/xe. Ôtô được chuyển trót lọt qua Trung Quốc, A Dắt sẽ chuyển trả tiền tạm ứng và tiền công vào tài khoản của Bùi Thị Phương (40 tuổi, vợ Dũng “mặt sắt”), mở tại ngân hàng ở nước này.
Theo cáo trạng, trong tháng 3/2013, Quảng đã ký 19 hợp đồng và mở 20 tờ khai hải quan để hợp thức mua 138 ôtô ghi chưa qua sử dụng, có giá trị hơn 10,8 triệu USD, với một công ty ở Hong Kong. Đồng thời, anh ta ký hợp đồng bán số xe này cho một doanh nghiệp ở Quảng Tây (Trung Quốc). Quá trình điều tra sau này, công an xác định 2 công ty mà Quảng ký hợp đồng mua - bán ôtô đều không có thật.
Sau khi ôtô được vận chuyển về cảng Cái Lân, Quảng giao cho cấp dưới đến làm thủ tục mở tờ khai TNTX và cùng cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa. Số xe này sau đó được thuê vận chuyển về cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh).
Trong số 138 xe ôtô TNTX nêu trên, Công ty Tuấn Đông đã vận chuyển 21 xe cho Chi cục Hải Quan cửa khẩu Móng Cái giám sát xuất; 117 xe tại 19 bộ tờ khai TNTX, chuyển cho Chi cục hải quan Bắc Phong Sinh giám sát xuất.
Theo cáo trạng, từ ngày 12/3/2013 đến trước khi bị phát hiện (ngày 5/5/2013), Công ty Tuấn Đông đã vận chuyển trái phép được 92 ôtô qua đường cống cạnh khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh sang Trung Quốc. 25 xe chưa kịp vận chuyển thì bị cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ.
Siêu xe vượt biên bằng đường cống
Ngày 5/5/2013, Bùi Tiến Quảng thống nhất với A Dắt việc Công ty Tuấn Đông sẽ chuyển ôtô cho nhóm người Trung Quốc. Để thực hiện phi vụ, Quảng phân công nhiều nhân viên trông đường, đề phòng cơ quan chức năng phát hiện.
Một số xe trong đường dây của Dũng "mặt sắt". Ảnh: CTV. |
Hôm đó, nhân viên Công ty Tuấn Đông liên lạc với Triệu Hoài Anh (42 tuổi - cán bộ hải quan Bắc Phong Sinh) xin xuất hàng. Tại cửa khẩu này, Vũ Văn Đông - nhân viên Công ty Tuấn Đông, giao cho Bùi Quang Anh (32 tuổi - cán bộ Hải quan Bắc Phong Sinh), 2 bộ hồ sơ hải quan xin mở container xuất 21 xe ôtô các loại.
Sau khi được Bùi Quang Anh và biên phòng khu vực cửa khẩu đồng ý, Đông giao cho đồng bọn mở một container đưa 3 ôtô ra bơm lốp, đổ xăng, kiểm tra kĩ thuật và lái đi giao cho Đông. Thời điểm đó, Đông dự định giao thêm cho đồng bọn phía Trung Quốc 7 ôtô nữa.
Trước khi nhận xe, những kẻ trong đường dây người Trung Quốc đã mang biển số giả lắp vào các ôtô sẽ giao nhận.
Sau đó, Đông lần lượt lái các xe hiệu Mercedes-Ben GL 550, Porsche, Audi Q7, từ sân chợ cửa khẩu Bắc Phong Sinh, theo lối mòn đi ra đầu cống giao cho A Nhì, để tên này đánh xe sang Trung Quốc.
Sau khi lái 3 siêu xe sang Trung Quốc, A Nhì thông báo với Đông việc không nhận thêm hàng nữa, nên nhân viên Công ty Tuấn Đông đã lái 7 chiếc về bài tập kết và bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ.
Cơ quan điều tra đã thu giữ của Công ty Tuấn Đông tổng cộng 25 xe ôtô (7 xe để ngoài sân chợ, 18 xe trong 6 container), trị giá hơn 17 tỷ đồng.
Theo kết luận của Viện Khoa học kĩ thuật hình sự (Bộ Công an), 25 ôtô thu giữ của Công ty Tuấn Đông là xe đã qua sử dụng. Số khung và năm sản xuất lô xe này ghi trong tờ khai TNTX là 2012, không đúng với năm sản xuất thực tế (14 xe sản xuất từ 2003-2007, thuộc diện cấm nhập khẩu do quá thời hạn sản xuất 5 năm).
Sau khi Quảng và đồng bọn bị bắt, Bùi Thị Phương (vợ Dũng “mặt sắt”), mang sổ sách ghi chép việc ứng và nhận tiền của Công ty Tuấn Đông vứt xuống sông Ka Long, đồng thời nhờ nhân viên tới trụ sở doanh nghiệp đốt toàn bộ sổ sách và đem đi cất giấu, nhằm đối phó với cơ quan điều tra.
Quá trình điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố Dũng (đang bỏ trốn) và Quảng về hành vi Buôn lậu và Vận chuyển hàng hóa trái phép quan biên giới.
12 người là nhân viên Công ty Tuấn Đông bị khởi tố về hành vi Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Cáo trạng khẳng định có cơ sở kết luận Quảng và đồng bọn đã vận chuyển 138 chiếc xe ôtô đã qua sử dụng từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tại cơ quan công an, Quảng khai từ 12/3/2013 đến trước ngày bị bắt đã vận chuyển trót lọt 113 xe ôtô sang Trung Quốc, được A Dắt thanh toán hơn 6,7 tỷ đồng.
Hà Tuấn Dũng (Dũng “mặt sắt”) đang bỏ trốn nên cơ quan công an đã tách hồ sơ điều tra xử lý sau.
Dũng “mặt sắt” quê gốc ở Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh). Trước thời điểm tháng 5/2013, tiếng tăm của Dũng không chỉ nổi ở Móng Cái mà giới máu mặt ở Quảng Ninh không ai là không biết anh ta. Dũng “mặt sắt” nổi lên như một thế lực mới trong giới làm ăn buôn bán xuất nhập khẩu vùng biên, sau khi ông trùm Phương “ninh hột” (Nguyễn Tiến Phương, sinh năm 1957, quê Móng Cái, Quảng Ninh) sa lưới pháp luật. Với bản tính nhanh nhạy, tiềm lực kinh tế và mối quan hệ lắt léo, Dũng "mặt sắt" đã nhanh chóng thu phục được đàn em Phương “ninh hột”. Chỉ sau 3 năm, từ chỗ chỉ là một đàn em của Phương, Dũng dần dà đã lên ngôi thống trị đám giang hồ vùng biên, làm mưa làm gió trong nhiều ngành nghề kinh doanh. |
Bài tiếp: Ai giúp Dũng "mặt sắt" chuyển trăm ôtô sang Trung Quốc?
Theo Việt Đức - Đức Quang (Zing.vn)