Năm 1990, hai ông Vương Trấn Ẻm và Tạ Lâm (trú phường 2, TP Cà Mau) cùng mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước theo diện bán hóa giá. Gia đình hai ông sinh sống ổn định trong hai căn nhà từ đó cho đến năm 2005 thì phát sinh tranh chấp.
Thi hành án sau hơn 10 năm xét xử
Cụ thể, khi ông Ẻm sửa chữa nhà thì cho rằng phía ông Lâm đã xây một cái ban công tầng một thò qua phần đất của mình với kết cấu ngang 3,5 m, dài 0,8 m. Từ đó ông Ẻm yêu cầu ông Lâm phải tháo dỡ ban công trả lại phần không gian phía dưới theo phương thẳng đứng.
Trong khi phía ông Lâm cho rằng khi ông mua của Nhà nước toàn bộ căn nhà thì đã có kết cấu là cái ban công. Ông không đồng ý tháo dỡ và trả lại phần không gian theo yêu cầu của ông Ẻm.
Hai bên không thỏa thuận được nên ông Ẻm khởi kiện ra tòa.
Cùng năm 2005, TAND TP Cà Mau và TAND tỉnh này đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó phải trải qua nhiều vòng tố tụng vì cấp trên liên tục hủy án. Theo đó, tổng cộng vụ án đã có bốn bản án sơ thẩm, bốn bản án phúc thẩm và ba bản án giám đốc thẩm.
Mãi đến ngày 9/8/2016, bản án dân sự phúc thẩm lần thứ tư của TAND tỉnh Cà Mau mới có hiệu lực pháp luật. Theo nội dung bản án này thì tòa tuyên buộc ông Lâm phải tháo dỡ ban công trả không gian cho ông Ẻm. Sau đó Chi cục Thi hành án (THA) TP Cà Mau thụ lý việc thi hành bản án theo yêu cầu của ông Ẻm.
Phía ông Lâm tiếp tục kiến nghị xem xét giám đốc thẩm nhưng tháng 3/2017 cơ quan THA nhận được công văn của TAND Cấp cao tại TP.HCM với nội dung không có cơ sở để xem xét. Nhận được công văn này Chi cục THA TP Cà Mau tiếp tục THA nhưng do ông Lâm mất nên việc THA bị tạm hoãn. Sau đó cơ quan THA xác định con của ông Lâm là ông Tạ Thanh Vân kế thừa nghĩa vụ THA của cha.
Ngày 20/3, chấp hành viên Chi cục THA TP Cà Mau ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ ban công ngang 3,5 m, dài 0,8 m của ông Vân, trả lại phần không gian cho ông Ẻm. Thời gian ấn định cưỡng chế vào lúc 9h sáng 30/3.
Tuy nhiên, trước thời gian cưỡng chế một ngày, Chi cục THA TP Cà Mau nhận được Văn bản khẩn số 295/VP-NC từ văn phòng UBND tỉnh Cà Mau. Nội dung của văn bản là truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Văn Bi với tư cách là trưởng ban chỉ đạo THA tỉnh, chỉ đạo tạm dừng THA. Vì thế ngay trong ngày Chi cục THA TP Cà Mau ra thông báo về việc tạm dừng này.
Biết không ổn nhưng vẫn làm
Để tìm hiểu rõ vụ việc, ngày 5/4, phóng viên gọi điện thoại cho ông Lâm Văn Bi để hỏi về chỉ đạo nói trên thì được hướng dẫn gặp phó văn phòng UBND tỉnh là ông Nguyễn Văn Quân (người ký công văn truyền đạt chỉ đạo dừng THA).
Ngày 6/4, ông Quân cho rằng về thẩm quyền, ông Bi không có quyền chỉ đạo tạm dừng việc cưỡng chế THA. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra việc THA này, ông Bi thấy báo cáo từ phía Ban chỉ đạo THA TP Cà Mau chưa ổn về mặt đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình cưỡng chế THA. Từ đó ông Bi đã chỉ đạo tạm dừng và cho kiểm tra.
“Sau khi rà soát lại, thấy mọi việc đã ổn nên sáng nay chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo THA tiếp tục việc cưỡng chế theo thẩm quyền và trình tự quy định của pháp luật” - ông Quân nói.
Trả lời câu hỏi vì sao biết không có thẩm quyền tạm dừng THA nhưng vẫn làm, ông Quân nói: “Lý ra đây là những chỉ đạo mật, mang tính điều hành nội bộ nhưng quên đóng dấu mật”.
Nói xong ông Quân chìa cho chúng tôi xem một văn bản mật, do ông ký truyền đạt ý kiến trưởng Ban chỉ đạo THA tỉnh Cà Mau cho tiếp tục cưỡng chế theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Quân nói không thể cung cấp văn bản này cho PV vì nó là... mật.
Cùng ngày 6/4, ông Lý Minh Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục THA TP Cà Mau, cho biết: “Tôi vẫn biết ông Bi chỉ đạo vậy là chưa đúng thẩm quyền. Nhưng về nguyên tắc, ông là trưởng Ban chỉ đạo THA dân sự tỉnh nên tôi phải chấp hành. Tuy nhiên, ngay sau khi ra thông báo tạm dừng THA như chỉ đạo của ông, tôi đã có báo cáo về Cục THA tỉnh theo hướng bảo lưu ý kiến là cho tiếp tục thi hành bản án này”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Hiệu, Cục trưởng Cục THA tỉnh Cà Mau, cho biết đã nhận được văn bản cho tiếp tục THA của UBND tỉnh nhưng không cung cấp được vì có dấu mật.
UBND không có quyền hoãn THA
Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc hoãn THA được thực hiện theo quy định của pháp luật THA dân sự.
Người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm. (Điều 286, BLTTDS)
Việc hoãn THA có thể diễn ra khi thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định hoãn THA khi nhận được yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế THA đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. (Khoản 2 Điều 48 Luật THA dân sự)
Theo Trần Vũ (Pháp Luật TPHCM)