VKSND Tối cao sẽ chỉ đạo, theo dõi sát sao, đảm bảo vụ án được điều tra, truy tố, xét xử đúng theo quy định pháp luật.
Cần xử đúng bản chất hành vi phạm tội
Liên quan vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Công ty Cổ phần VN Pharma, mới đây (ngày 22/9), Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ký quyết định kháng nghị vụ án này.
Theo đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm vì lý do vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội…
Theo kháng nghị, kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Chẳng hạn, kết luận giám định nói thuốc không dùng được cho người nhưng các đối tượng này lại nhập về để chữa bệnh cho người, lẽ ra phải kết luận là thuốc giả nhưng lại kết luận là thuốc kém chất lượng. Cạnh đó, trong hội đồng giám định lại có thành viên của Cục Quản lý dược, như vậy khó đảm bảo tính khách quan của vụ án.
Chia sẻ về quyết định kháng nghị trên, ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (từng khẳng định mạnh mẽ: “Nói gọn, H-Capita là thuốc giả”), cho rằng: “Hành vi của VN Pharma là tội ác và cần phải bị trừng phạt bằng bản án đúng đắn, nghiêm minh, tương xứng với tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Ông Hùng cũng kiến nghị cần xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, đơn vị có liên quan mà cụ thể là Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để đảm bảo trật tự kỷ cương pháp luật.
“Nếu không nghiêm thì những kẻ phạm tội sau này sẽ coi thường sinh mệnh cộng đồng mà mặc sức phạm tội buôn bán thuốc giả, thu lợi nhuận cao trên sinh mệnh người bệnh…” - ông Hùng nói.
|
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty VN Pharma, tại phiên tòa xét xử vụ án này. |
Phải xử lý trách nhiệm những người liên quan
Cùng vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một vụ của Ban Nội chính Trung ương nêu quan điểm cá nhân: “Với hành vi của VN Pharma, cần xem xét xử lý trách nhiệm đối với những người đã cấp phép cho lô thuốc H-Capita.
Việc cơ quan tố tụng chỉ đề nghị kiểm điểm trách nhiệm mà không làm rõ dấu hiệu vi phạm của những người có trách nhiệm ở Cục Quản lý dược, Bộ Y tế là vấn đề nghiêm trọng cần được các cơ quan tố tụng làm rõ, xử lý nghiêm tránh bỏ lọt tội”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo VKSND Tối cao khẳng định vụ việc sẽ được VKSND Tối cao theo dõi sát sao, đảm bảo vụ án được điều tra, truy tố, xét xử đúng theo quy định pháp luật.
Theo nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, liên quan đến các vấn đề tố tụng trong vụ VN Pharma, lãnh đạo VKSND Tối cao đã giao lãnh đạo một vụ của VKSND Tối cao trực tiếp cùng với lãnh đạo VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét toàn diện vụ án ngay khi bản án cấp sơ thẩm được tuyên.
Lãnh đạo một vụ của VKSND Tối cao nói đã theo dõi các phân tích liên quan đến VN Pharma cũng như các tờ báo khác để có thêm nhiều kênh thông tin làm rõ bản chất vụ việc.
Làm rõ số tiền chi hoa hồng 7,5 tỷ đồng Cũng trong kháng nghị về vụ án trên, VKSND Cấp cao nhận định bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xử phạt nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và chín đồng phạm về tội buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án. Vụ án có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội, từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện, gây dư luận bất bình trong thời gian vừa qua. VKSND Cấp cao cho rằng đối với số tiền chi hoa hồng cũng cần phải làm rõ, bởi giá trị lô thuốc nhập về chỉ hơn 5 tỷ đồng mà chi hoa hồng tới 7,5 tỷ đồng thì liệu có phù hợp hay không, số tiền 7,5 tỷ đồng có phải chi cho những lô thuốc khác… Trước đó, ngày 25/8, TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên tổng giám đốc của VN Pharma và Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù (bằng đề nghị của VKS) về tội buôn lậu… Cùng tội này, Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) bị phạt năm năm tù, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) bốn năm tù… Bản án trên khiến dư luận xôn xao. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị đưa vụ án đúng bản chất là tội buôn bán hàng giả chứ không phải tội buôn lậu. Sau đó, ngày 7/9, Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với bảy loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất. Đồng thời thanh tra cả việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty CP VN Pharma trước khi xảy ra vụ án. Kết quả phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12. Bảy loại thuốc do Helix Pharmaceuticals sản xuất và được VN Pharma nhập khẩu đã bị rút đăng ký gồm: H2K Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100 ml); H2K Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400 mg/200 ml); H2K Levofloxacin 250 (hoạt chất 250 mg/100 ml); H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500 mg/100 ml); H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin 750 mg/100 ml); H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200 mg/100 ml) và H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500 mg/100 ml). |
Theo Nguyễn Đức (Pháp Luật TPHCM)