“Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong xã hội, luôn tồn tại một bộ phận muốn chà đạp lên pháp luật để kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, các hành vi đó, có khi chỉ bị lôi ra ánh sáng khi có sự vào cuộc quyết liệt của các nhà báo, phóng viên chân chính, sẵn sàng đương đầu cái sai, cái xấu, hành vi tiêu cực trong xã hội” – ông Thơm nói.
Luật sư Thơm cho rằng, bất kỳ một hành vi xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự. Cụ thể như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản…
Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số159/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
“Tuy nhiên, dường như các chế tài kể cả là hình sự hay hành chính đều chỉ xử phạt dựa vào tính chất, mức độ của hành vi của các đối tượng vi phạm gây ra cho bản thân người bị xâm hại, mà chưa xem xét đến khía cạnh hành vi vi phạm đó là nguy hiểm cho xã hội. Bởi những việc đó trực tiếp xâm phạm đến quyền được tiếp cận thông tin của công dân, mà đây là quyền cơ bản của con người đã được Hiến pháp ghi nhận đối với mỗi công dân” – luật sư Thơm phân tích.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, các sự việc hành hung, đe dọa phóng viên nhà báo đang tác nghiệp chân chính được xử lý thời gian qua, chỉ mới được xem xét ở mặt một công dân bị đe dọa, hành hung. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã ghi nhận hành vi “Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…” là một hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “Cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm”. Luật sư Nguyễn Anh Thơm đề nghị: “Trường hợp đối tượng nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhà báo, nếu có căn cứ xử lý về hình sự thì khi xét xử phải xử lý nghiêm minh. Chúng ta phải cương quyết không cho hưởng án treo đối với những loại tội phạm xâm hại đến quyền hành nghề hợp pháp của các nhà báo chân chính”.
Đối với sự việc của PV Dương Dũ Tuấn (phóng viên thường trú Báo NTNN/Dân Việt tại Bình Định) bị dọa giết, luật sư Thơm nhận định, đối tượng đã thực hiện hành vi chặn xe, dùng dao đe dọa tấn công và có thể tấn công ngay lập tức buộc phóng viên phải xóa dữ liệu đã tác nghiệp trước đó đã có dấu hiệu cấu thành tội “Đe dọa giết người”, theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người nào phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, hành vi của đối tượng Bình cũng có thể bị xử lý về tội danh “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”, theo quy định tại Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo Đình Việt (Dân Việt)