Hôm 20/12 vừa qua, trong ngày làm việc thứ tư phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Viện Kiểm sát đề nghị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình cho 2 tội danh “Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Đến sáng 21/12, luật sư bào chữa cho bị cáo này thông báo, gia đình và bạn bè ông Son tập hợp được 12,5 tỷ đồng, sẽ nộp để khắc phục hậu quả. Trước đó, cựu bộ trưởng cam kết sẽ khắc phục hết số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ.
Trong trường hợp ông Son nộp đủ 3 triệu USD được cho là số tiền được hối lộ, mức án dành cho cựu Bộ trưởng sẽ được điều chỉnh như thế nào? Theo luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật Tinh thông Luật, ông Nguyễn Bắc Son vẫn có cơ hội để thoát án tử hình.
Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án chủ động nộp lại ít nhất 3/4 phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong các trường hợp nêu trên và trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
“Như vậy, căn cứ vào điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu ông Nguyễn Bắc Son bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ, nhưng trong quá trình thi hành án, ông Son tự nguyện bồi thường khắc phục được 3/4 số tài sản nhận hối lộ, đồng thời có thêm tình tiết là tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được chuyển từ án tử hình sang tù chung thân” Luật sư Bình nêu.
“Trong trường hợp toà án sơ thẩm xác định ông Son nhận hối lộ nhưng không tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình thì những quy định tại điều 40 Bộ luật Hình sự nêu trên sẽ không được đặt ra. Trong trường hợp tòa án cấp sơ thẩm tuyên ông Son tù chung thân về tội nhận hối lộ, sau đó ông kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, viện kiểm sát không yêu cầu tăng mức hình phạt, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm ông Son hoặc gia đình bồi thường khắc phục hậu quả đáng kể thì ông này vẫn có thể được giảm mức hình phạt khi tòa án xét xử phúc thẩm", Luật sư Bình nhấn mạnh.
"Hoặc ông Son vẫn có quyền nộp đơn lên Chủ tịch nước xin ân xá nếu bản án phúc thẩm vẫn tuyên ông ta án tử hình. Do đó, người bào chữa cho ông Son, bản thân ông Son và gia đình cũng sẽ nhận định được và có định hướng trong quá trình giải quyết vụ án”.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)