Phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Ngày 17/7, VKS đã luận tội và đề nghị mức án đối với 54 bị cáo, trong đó có 1 bị cáo bị đề nghị tử hình, nhiều bị cáo bị đề nghị 20 năm tù.
Với những bằng chứng hối lộ được kẻ đưa và người nhận đều xác nhận, dù tranh cãi biện bạch như thế nào thì cũng rất khó có thể nói đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” đối với các bị cáo đưa và nhận hối lộ trong vụ án này.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, đưa hối lộ 1 tỷ đồng trở lên có thể bị 20 năm tù, còn nhận hối lộ 1 tỷ đồng trở lên thì có thể bị tử hình. Người đưa hối lộ nếu bị ép và chủ động khai báo thì vô tội, nếu tự nguyện đưa rồi chủ động khai báo thì có thể miễn trách nhiệm hình sự. Bởi vậy mà nhiều bị cáo đưa hối lộ đều khai bị ép, còn bên nhận thì nói đó là tiền “cảm ơn”.
Đối với các bị cáo nhận hối lộ, theo quy định, sau khi bị kết án nếu nộp 3/4 số tiền đã nhận hối lộ thì không bị tử hình. Bởi thế, hầu hết những người nhận hối lộ từ hơn 1 tỷ đến hàng chục tỷ đều không bị đề nghị án tử, chắc đã nộp tiền đủ tỷ lệ khắc phục. Chỉ có bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế (nhận hối lộ 42 tỷ) bị đề nghị tử hình, có lẽ do chưa nộp tiền đủ tỷ lệ khắc phục, người này cũng còn cơ hội miễn tử nếu nộp tiền đủ tỷ lệ 3/4 trở lên sau khi bị kết án.
Do đó, việc trả lời xét hỏi của các bị cáo trước tòa không có gì đáng nói. Công chúng cũng không nên bức xúc vì sao các bị cáo nhận hối lộ “khủng” như vậy mà không bị tử hình. Tòa sẽ xử theo luật, không xử theo bức xúc của dân chúng.
Hai chuyện đáng nói trong vụ án
Thứ nhất là trường hợp của bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) và bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Ông Hưng bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn ông Tuấn bị truy tố về tội “môi giới hối lộ”.
Từ lời khai của ông Tuấn và người đưa hối lộ là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cơ quan điều tra và VKS xác định ông Tuấn đã nhận từ bà Hằng tất cả là 2,65 triệu USD, ông Tuấn giữ lại hơn 400 nghìn USD, còn lại đưa hết cho ông Hưng tổng số tiền là 2,25 triệu USD.
Ông Hưng là điều tra viên, thụ lý chính của vụ án “chuyến bay giải cứu” từ đầu cho đến tháng 9/2022, từ 16/9/2022 ông được chuyển làm công tác khác. VKS căn cứ từ khi ông Hưng không còn làm điều tra viên vụ án “chuyến bay giải cứu” mà vẫn nói là mình vẫn “chỉ đạo vụ án” nên cáo buộc ông Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 800 nghìn USD.
Trước tòa, ông Hưng nói ông không hề nhận một đồng nào và thách thức nếu VKS đưa ra chứng cứ thì ông sẽ nhận tội. VKS thì nói căn cứ vào lời khai và những bằng chứng khác nên khẳng định ông Hưng có nhận tiền, nhưng số tiền mà VKS xác định là 800 nghìn USD đối với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vấn đề là số tiền còn lại trong số 2,25 triệu đô la nằm ở đâu? Nếu như ông Hưng nhận trong thời gian ông còn làm điều tra viên thì ông phải bị cáo buộc nhận hối lộ, nhưng tại phiên tòa này không thấy có cáo buộc ông Hưng nhận hối lộ. Nếu như ông Hưng không bị cáo buộc tội nhận hối lộ thì số tiền đó đi đâu? Số tiền này có phải là vẫn nằm trong tay ông Tuấn và ông Tuấn có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Có lẽ cơ quan tố tụng sẽ tách hai giai đoạn (giai đoạn ông Hưng làm điều tra viên vụ án và giai đoạn sau đó) thành hai vụ án khác nhau. Ông Hưng còn bảo ông bị oan và nói sẽ đề cập đến việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án này. Chúng ta phải chờ xem diễn biến tiếp theo mới có thể lý giải được.
Trường hợp thứ hai là Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người có thư ký là bị cáo Phạm Trung Kiên vừa bị đề nghị tử hình. Ông Kiên có tới 253 lần nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Trung Kiên, cần kiến nghị điều tra hành vi của ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, là người ký các công văn cấp phép chuyến bay để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án. Đây là một đề nghị hợp lý.
Vụ án “chuyến bay giải cứu” cũng như vụ án Việt Á tới đây sẽ đưa ra xét xử chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của tệ đưa nhận hối lộ. Hễ cái gì liên quan đến giấy phép, đến xin - cho đều dễ phát sinh hối lộ.
Hai vụ án này diễn ra trong bối cảnh lợi dụng sự sợ hãi của dân chúng, tại thời điểm đó cả người đưa và người nhận đều thấy bình thường, như sự bình thường mà người ta vẫn thấy vẫn làm lâu nay. Bởi vậy mà nhiều bị cáo, kể cả những bị cáo từng đảm nhận cương vị cấp cao trong bộ máy công quyền nói là họ không nhận thức được vì họ nghĩ đó là sự “cảm ơn”, đến khi bị bắt mới nhận ra.
Nếu không triệt để xóa bỏ cơ chế xin – cho, không bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con vô lý… thì những vụ án như thế này sẽ tiếp tục tái diễn.
Theo Hoàng Hải Vân (VietNamNet)