17 giờ 30 phút ngày 25-5-2018, tôi nhận tin báo về một vụ án cướp tài sản nghiêm trọng xảy ra tại khu nhà trọ ở thôn Dương Đanh, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đối tượng gây án đã bị Công an huyện Gia Lâm tạm giữ.
Sau một tiếng đồng hồ di chuyển, tôi đã có mặt trước cổng Công an huyện Gia Lâm, để làm các thủ tục tiếp cận thông tin sự việc. Nhờ bám sát các diễn biến từ đây, tôi đã may mắn ghi nhận được những chi tiết đáng chú ý bên lề, để kể và chiêm nghiệm khi có thời gian nhìn lại những gì đã qua.
Những chi tiết vụ án “bây giờ mới kể”
Nguyễn Thị Hồng (SN 1973, trú tại thôn Dương Đanh, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thường bán hành, tỏi ở khu vực gần dốc Thọ Lão (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây cũng là nơi ông Nguyễn Mạnh Thái (SN 1943, trú tại quận Hai Bà Trưng) làm nghề lái "xe ôm" thường đứng chờ khách.
Do đặc thù “ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà”, và tuổi đã cao, nên ông Thái có thói quen luôn mang theo người số tiền khá lớn, khoảng hơn 3 triệu đồng, để phục vụ sinh hoạt và đề phòng bất trắc. Số tiền này được ông cất ở chiếc túi treo trên xe máy.
Dường như nắm được thói quen này của người lái xe ôm cao tuổi, Hồng đã “đặt hàng” ông Thái chở lòng vòng trong nội thành Hà Nội từ hôm 24-5, tức một ngày trước khi gây án. Dù đi một quãng đường dài, nhưng Hồng không trả tiền ngay cho ông Thái, mà hẹn 5 giờ sáng hôm sau đón Hồng ở dốc Thọ Lão để đi một chặng dài tiếp. Khi thấy người lái xe ôm nghi ngại, người phụ nữ này còn kéo khẩu trang xuống cho ông nhìn mặt để… làm tin.
Ngày hôm sau, phải tới 7 giờ sáng, Hồng mới xuất hiện ở điểm hẹn, và được ông Thái chở về khu nhà trọ tại thôn Dương Đanh. Về tới nơi, đối tượng mở cửa phòng, cố tình mời ông Thái vào trong nhưng cụ ông 75 tuổi tỏ ra cảnh giác, quyết không vào.
Sau đó, Hồng đi mua chai bia lạnh và mời ông Thái uống. Dù đồng ý uống bia, nhưng ông Thái vẫn đứng nguyên ở… cửa, chờ thanh toán. Xong xuôi, người phụ nữ này trả tiền cho ông Thái, và ông quay lưng đi về mà không biết rằng mối hiểm họa đang rình rập sau…
Chỉ chờ người lái "xe ôm" quay đi, Hồng bất ngờ đánh mạnh vào vai của ông Thái, sau đó, thị vớ sợi dây cáp treo ở đầu giường, vòng qua cổ cụ ông đáng thương để siết, kéo vào trong phòng.
Dù rất bất ngờ, ông Thái vẫn cố sức chống cự, và hô hoán cướp. Với sức khỏe của mình, Hồng đã kéo được nạn nhân vào trong, rồi dùng tay đấm vào mặt ông Thái. Hai bên giằng co một lúc khá lâu, làm đổ một số đồ vật trong phòng.
Nghe tiếng động lạ, chủ nhà trọ đã đi tới để xem có chuyện gì. Qua lỗ nhỏ trên vách, người này thấy ông Thái nằm sấp trên sàn nhà, phía trên là đối tượng Hồng đang ra sức khống chế…
Thấy có người xuất hiện, Hồng biết rằng kế hoạch của bản thân không thực hiện được, nhưng thị vẫn bộc lộ sự xảo quyệt khi chạy ra cửa và… tri hô “Cướp!”, nhằm đánh lạc hướng mọi người, và đổ tội cho nạn nhân.
Nhận được tin báo, lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt để bảo vệ hiện trường, đưa những người liên quan về trụ sở. Đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng, Đại tá An Thanh Bình – Trưởng Công an huyện Gia Lâm – đã chỉ đạo Đội Điều tra Tổng hợp tích cực vào cuộc xác minh.
Trước những chứng cứ rõ ràng tại hiện trường, cùng thương tích của ông Thái , và đặc biệt là số tiền gần 3 triệu đồng mà ông Thái chứng minh được là của mình, Nguyễn Thị Hồng đã phải thừa nhận hành vi cướp tài sản với thủ đoạn dã man.
Ngay buổi trưa 25-5-2018, Công an huyện Gia Lâm đã đưa ông Nguyễn Mạnh Thái tới bệnh viện để khám thương. Sau đó, các chiến sĩ còn mời cụ ông này ăn trưa để động viên, ổn định tinh thần, khiến ông Thái rất xúc động và đã kể đi kể lại với tôi chi tiết này.
Cùng lúc đó, một tổ cảnh sát cũng đưa đối tượng Hồng đi xét nghiệm tại bệnh viện để đảm bảo thực hiện đúng quy định trong việc giữ nghi phạm nữ.
Đến 21 giờ cùng ngày, chồng và người thân của Hồng mới hay tin và đến CAH Gia Lâm để cung cấp quần áo, đồ ăn… Khi những người này có mặt trước phòng của Đội Điều tra Tổng hợp, một điều tra viên yêu cầu tất cả chờ phía ngoài, và chỉ gặp riêng người chồng để cung cấp thông tin về sự việc, cùng tình trạng hiện nay của đối tượng Hồng.
Phải đến lúc bấy giờ, người đàn ông có dáng vẻ chân chất, hiền lành ấy mới biết chuyện vợ mình đã làm “việc tày trời”, bởi trước đó, ông chỉ nghe thông tin nói vợ mình tham gia một vụ xô xát, ẩu đả nào đó.
Cứ mỗi khi nghe một thông tin mô tả lại hành vi phạm tội của vợ, khuôn mặt nhàu nhĩ của người chồng như lại nhăn thêm, với muôn vàn lo lắng và buồn bã trước mắt.
Dẫu vậy, tôi vẫn nhìn ra cách trao đổi rất nhân văn mà điều tra viên hình sự thực hiện trong lúc này. Thay vì để những người thân khác biết chuyện, anh tập trung cung cấp cho người chồng, để ông tự chắt lọc và tìm cách truyền tải phù hợp cho những người thân đang thấp thỏm bên ngoài…
Xong xuôi cũng đã tới 21 giờ, họ lật đật đi tới khu phòng chờ với hy vọng có thể gặp mặt Nguyễn Thị Hồng đang được áp giải vào Nhà tạm giữ của Công an huyện.
Giọt nước mắt muộn màng của đối tượng “vừa ăn cướp vừa la làng”
Hơn 21 giờ, chiếc xe ô tô chở các chiến sĩ cảnh sát áp giải và đối tượng Nguyễn Thị Hồng dừng trước cổng Nhà tạm giữ. Đối tượng Hồng cúi người, từ từ xuất hiện với dáng vẻ chậm chạp, mệt mỏi.
Ấn tượng của tôi lúc đó về đối tượng mới buổi sáng còn cầm dây cáp siết cổ ông cụ lái "xe ôm" là một phụ nữ dáng người to, thấp, đôi bàn tay thô ráp của người lao động, mái tóc buộc rối vẫn còn lộ những vệt nhuộm vàng đã cũ, và đặc biệt là… đôi mắt.
Trong tổng thể khuôn mặt thể hiện sự bơ phờ, mệt mỏi đó là một đôi mắt… đảo trái, liếc phải liên tục, như để dò xét xung quanh và dễ khiến người đối diện không tin tưởng.
Một chi tiết khó quên ở thời điểm đó là khi đối tượng Hồng nghe tin chồng và người thân đã tới nơi, mang theo vật dụng cá nhân và muốn gặp. Những tưởng người phụ nữ này sẽ vui mừng, thì Hồng bất ngờ ngồi phệt xuống đất, nói rằng quyết… không gặp chồng, nếu gặp thì “tôi sẽ đập đầu vào gạch chết ngay tại đây!”
Chính các chiến sĩ cảnh sát áp giải và điều tra viên hình sự cũng ngỡ ngàng với thái độ đó của đối tượng, nên các anh buộc phải liên tục trấn an: “Được rồi, chị không gặp thì thôi! Chúng tôi sẽ tiếp nhận đồ gửi, cứ yên tâm!”
Trong phòng chờ của Nhà tạm giữ, Hồng tiếp tục tỏ ra mệt mỏi, nhưng ánh mắt sắc lẹm vẫn liên tục đảo trái phải…
Dẫu chưa phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào, đối tượng liên tục “thanh minh” rằng “không hiểu sao lúc đó đầu óc tôi thế nào mà lại làm thế”, “tôi vốn là người lương thiện”, “ông ấy có bị làm sao đâu, tôi biết mình sai nhưng chưa gây hại gì cả”…
Được một lúc, Hồng đòi ăn cơm, và chỉ muốn ăn cơm với nước canh, không thịt cá, dù bên cạnh đã có túi bánh mỳ và sữa do các chiến sĩ cảnh sát mua từ trưa. Khẩu vị “lạ” của đối tượng không khiến những chiến sĩ áp giải bất ngờ, vì trước đó, vào buổi trưa, Hồng cũng đề nghị ăn như vậy, dù điều tra viên đã cố gắng động viên thị ăn chất đạm để đảm bảo sức khỏe.
Khi cơm canh chưa mang tới, thì chồng và người thân của đối tượng xuất hiện. Lúc này, Hồng thay đổi… 180 độ, quay ra xin gặp người nhà bằng được. Sự bất nhất này khiến những người có mặt tại đó cũng cảm thấy khó hiểu, không thể giải thích được.
Các chiến sĩ cảnh sát đã tạo điều kiện cho đối tượng Hồng gặp người thân qua song cửa trong một thời gian ngắn, để Hồng nghe mọi người khuyên nhủ khai báo thành khẩn, động viên tích cực… Chỉ lúc đó, người phụ nữ có đôi mắt sắc và đảo liếc liên hồi ấy mới bật khóc. Những giọt nước mắt ân hận, nuối tiếc như nói thay lời của Hồng dành cho những người thân đang lo lắng bên ngoài.
Sau khi hoàn tất thủ tục tại Nhà tạm giữ và ăn cơm xong xuôi, đối tượng Hồng bị áp giải lên buồng giữ, trong dáng điệu nặng nề, khó nhọc. Cứ mỗi bước đi, Hồng lại phải vịn vào cầu thang để có thêm lực di chuyển.
Khi cánh cửa Nhà tạm giữ từ từ khép lại, đồng hồ cũng đã điểm hơn 22 giờ. Tôi vội vã nói lời tạm biệt các điều tra viên hình sự, sau một ngày làm việc hết công suất. Trong khi đó, điều tra viên thụ lý vụ án lại tiếp tục lên đường, để làm thêm các bước xác minh quan trọng.
Trên đường về, tôi cứ nghĩ mãi về lời “thanh minh” của Nguyễn Thị Hồng khi đang ngồi trong nhà chờ, “ông ấy có bị làm sao đâu, tôi biết mình sai nhưng chưa gây hại gì cả”. Nếu khi đó, nạn nhân không đủ sức chống trả, điều gì xảy ra? Và Hồng không biết một điều rằng, kể cả khi sự việc chưa dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, hành vi cướp tài sản đã được thực hiện. Cái ranh giới giữa người bình thường với kẻ phạm tội, đôi khi lại chẳng dày dặn như người ta vẫn nghĩ!
Theo Trung Hiếu (An Ninh Thủ Đô)