Công an quận 5 đang phối hợp với Công an TP.HCM điều tra vụ án này.
VnExpress đưa tin, 3 ngày trước, bà Ánh (59 tuổi) khi đang ở nhà một mình trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 (TP.HCM) nhận được một cuộc điện thoại bàn từ người phụ nữ xưng là nhân viên bưu điện. Người này nói bà có bưu phẩm từ ngân hàng ngoài Đà Nẵng gửi, gồm cả giấy thông báo nhận tiền. Cảnh giác, bà Ánh trả lời không giao dịch với ngân hàng nào rồi cúp máy.
Tuy nhiên, một lúc sau, bà tiếp tục nhận được cuộc điện thoại từ người đàn ông xưng Trung úy Lê Thạnh Nam, công tác tại Công an Đà Nẵng. Người đàn ông này nói vừa bắt được băng tội phạm. Trong băng này, có kẻ khai đã chuyển tiền mua bán ma túy vào tài khoản của bà.
Bà Ánh vẫn khẳng định không liên quan, có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, người đàn ông kia nói giọng nghiêm trọng, tiết lộ một số thông tin vụ án cho là liên quan đến bà Ánh, trong đó có số tài khoản. Bà Ánh vẫn phủ nhận mọi thông tin.
Cho đến khi vị “Trung úy” dọa nếu bà không hợp tác sẽ bị bắt để phục vụ điều tra, bà Ánh sợ và tin.
Người này yêu cầu bà Ánh chuyển tất cả tiền của mình vào tài khoản an toàn của cơ quan điều tra. Bà sẽ được chuyển trả tiền nếu qua xác minh không liên quan đến vụ việc. Người này cũng không quên nhắc bà Ánh không được nói với ai vì có thể làm lộ bí mật điều tra.
Chiều cùng ngày, bà Ánh đến 3 ngân hàng chuyển tổng cộng hơn 500 triệu đồng vào tài khoản ở ngân hàng SCB như yêu cầu. Sau đó, lâu không thấy được trả lại tiền, bà trình báo công an.
Điều tra sơ bộ, cảnh sát xác định chủ tài khoản nhận tiền của nạn nhân là Khưu Văn Khang.
Cũng với thủ đoạn trên, mới đây, bà Phan (55 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) bị lừa 1,3 tỷ đồng.
VTC News đưa tin, ngày 1/10, số điện thoại lạ gọi đến nhà bà Phan. Người đàn ông xưng tên Phạm Tuấn Anh, công tác tại Công an Thành phố Đà Nẵng thông báo bà Phan liên quan đường dây ma tuý xuyên quốc gia mà họ đang điều tra. Sau đó ít phút, số điện thoại này gọi vào di động của bà. Đầu dây là người phụ nữ xưng là Khương Thị Minh Hằng - Phó vụ trưởng Công tố viên làm việc tại VKSND Tối cao. Người này khẳng định bà Phan tham gia đường dây ma tuý, gợi ý chuyển tiền để xác minh nguồn gốc và cam kết, nếu trong sạch sẽ được trả lại.
Bà Phan giấu gia đình đến ngân hàng ở huyện Hóc Môn chuyển gần 1,3 tỷ đồng vào tài khoản Hằng cung cấp. Chờ mãi không thấy cơ quan điều tra gọi lại hay chuyển trả tiền, biết bị lừa, bà Phan đến công an trình báo.
Đáng nói, Công an TP.HCM từng nhiều lần cảnh báo thủ đoạn giả danh cán bộ, quan chức lừa đảo qua điện thoại nhưng vẫn xảy ra những trường hợp bị lừa đáng tiếc.
Theo Mộc Miên (Nguoiduatin.vn)