Ngày 27/2, TAND Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm.
Phiên toà xét xử cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm cùng 47 bị cáo khác bắt đầu từ ngày 27/2 với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).
Các bị cáo Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch HĐQT; Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Xuân Sơn cùng là nguyên tổng giám đốc; các nguyên phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn, Lê thị Thu Thuỷ, Nguyễn Minh Phương cùng 42 bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank bị bị đưa ra xét xử về 3 tội danh trên.
HĐXX của phiên sơ thẩm gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân; thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa phiên tòa. Sẽ có hơn 60 luật sư tham gia bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo cũng như những người liên quan.
Dự kiến có gần 600 đương sự liên được triệu tập để làm rõ những sai phạm của các bị cáo. Phiên toà dự kiến kéo dài đến ngày 21/3.
Theo cáo trạng, đã có rất nhiều chi tiết đặc biệt trước phiên xử.
Hàng trăm người được miễn xử lý hình sự
Trong vụ án Hà Văn Thắm ngoài 48 người đang bị truy tố, còn có hàng trăm đối tượng khác có sai phạm. Tuy nhiên cơ quan tiến hành tố tụng đã không xử lý hình sự số đối tượng trên.
Vào cuối năm 2010, khi Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển, bổ nhiệm làm Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), bị cáo Sơn giới thiệu với Hà Văn Thắm về Nguyễn Minh Thu – lúc đó đang là Phó TGĐ Ngân hàng Đại Dương giữ chức vụ TGĐ thay bị cáo Sơn.
Nhằm thúc đẩy và phát triển khách hàng trong công tác huy động vốn, Hà Văn Thắm ra chủ trương về việc chi trả lãi suất huy động vốn ngoài hợp đồng cho khách hàng trên toàn hệ thống của Ngân hàng Đại Dương như đã từng chi cho PVN cũng như các tổng công ty, công ty thuộc PVN.
Cựu chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương Hà Văn Thắm |
Từ việc thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, Hà Văn Thắm và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Dương hơn 1.576 tỷ đồng.
Cụ thể có 6 người là giám đốc Phòng giao dịch có hành vi chi lãi suất ngoài trái quy định gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/cá nhân. Có 17 người là giám đốc Phòng giao dịch có hành vi chi lãi suất ngoài trái quy định gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng/cá nhân.
Có 204 người là phó giám đốc, nhân viên các Chi nhánh/Phòng giao dịch có hành vi chi lãi ngoài trái quy định gây thiệt hại trên 100 triệu đồng trở lên/cá nhân.
Theo đánh giá của cơ quan tố tụng, tổng số 227 người trên đều có chung hành vi tiếp nhận chủ trương chi lãi suất ngoài cho khách hàng gửi tiền từ giám đốc Chi nhánh/Phòng giao dịch, sau đó trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên thực hiện...
Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng nếu khởi tố, xử lý hình sự hết số toàn bộ 227 người này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống của Ngân hàng Đại Dương trong giai đoạn tái cơ cấu.
Do đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao đã thống nhất không xem xét trách nhiệm hình sự mà yêu cầu xử lý nghiêm về hành chính và liên đới bồi thường một phần thiệt hại.
Một bị can đút túi hơn 200 tỷ đồng
Liên quan đến vụ án, trước đó, đầu năm 2009, khi bàn bạc với Hà Văn Thắm về việc huy động vốn, Nguyễn Xuân Sơn đề nghị ngân hàng chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng và giao cho Sơn toàn quyền quyết định việc chi phí.
Để có nguồn tiền chi “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu của Sơn, Hà Văn Thắm đã sử dụng Cty Cổ phần BSC Việt Nam (do Thắm thành lập) để “ép” khách hàng vay vốn tại OceanBank ký hợp động làm dịch vụ thẩm định giá bất động sản, dịch vụ đấu giá tài sản, đại lý bảo hiểm, mua bán kỳ hạn bất động sản, môi giới, đại diện thương mại, vay vốn ngân hàng… nhằm thu phí ngoài lãi suất hợp đồng tín dụng.
Theo kết quả điều tra, từ 22/5/2009 tới 31/1/2013, Cty BSC thu phí được tổng cộng gần 69 tỷ đồng thông qua việc ký 721 hợp đồng dịch khống và 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn. Sau đó, Cty BSC chuyển nhiều lần cho Nguyễn Xuân Sơn tổng cộng 69,3 tỷ đồng để Sơn “chăm sóc khách hàng”.
Đến tháng 1/2011, khi về làm Phó Tổng giám đốc PVN, Sơn nhiều lần nhờ Nguyễn Xuân Thắng, Phó giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược (em con chú ruột của Sơn) đến ngân hàng để lấy tiền. Theo lời khai của Sơn, từ đầu năm 2009 tới 6/2014, tổng số tiền mà Thắng nhận từ OceanBank và Cty BSC để đưa cho Sơn khoảng 200 tỷ đồng.
Ngoài việc giải trình số tiền tiêu trên, Sơn khai năm 2013, bị can này dự định mua nhà tại một dự án ở TPHCM nên yêu cầu Hà Văn Thắm chuyển 20 tỷ đồng cho một người bạn của Sơn để người này mua 900.000 USD, chuyển cho Sơn mua nhà. Nhưng sau khi nhận tiền, Sơn đã chi tiêu cá nhân hết…
Theo cáo trạng, sau đó, bị can Nguyễn Xuân Sơn thay đổi lời khai, phủ nhận hoàn toàn các nội dung đã khai nhận với cơ quan công an trước đó. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, các lời khai và chứng cứ thu giữ được về hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn là khách quan, phù hợp với lời khai của Sơn trước đó.
Vụ đại án Hà Văn Thắm là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm vào thời gian cuối năm 2016 hoặc trong quý I-2017.
Theo Thanh Thanh (Đất Việt)