Đêm lái tàu đâm sập cầu Ghềnh trốn về quê thăm vợ

30/03/2016 11:42:19

Sau khi lái tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh, Giang trốn về quê để thăm con gái và người vợ đang mang thai. Anh này và hai người liên quan đã bị Công an Đồng Nai khởi tố.

Sau khi lái tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh, Giang trốn về quê để thăm con gái và người vợ đang mang thai. Anh này và hai người liên quan đã bị Công an Đồng Nai khởi tố.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, liên quan đến vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phan Thế Thượng (63 tuổi), Trần Văn Giang (35 tuổi, cùng quê Sóc Trăng) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Bạc Liêu).

Trong đó, Thượng bị cáo buộc có hành vi Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ (Điều 215); Giang và Lẹ được cho là Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ theo điều 212 Bộ Luật hình sự.

Ông Trần Văn Thanh kể lại đêm con trai Trần Văn Giang trốn về quê thăm vợ con. Ảnh:Việt Tường.


Còn ông Trần Văn Thanh (65 tuổi) đến TP Sóc Trăng tìm luật sư bào chữa cho con trai là Trần Văn Giang.

Ông Nguyễn Văn Sông (53 tuổi) cũng nhờ 3 luật sư bào chữa cho con trai Nguyễn Văn Lẹ. Một luật sư ở Sóc Trăng và hai luật sư TP HCM đã đồng ý trợ giúp pháp lý cho Lẹ với Giang.

Theo ông Thanh, con gái ông kết thông gia với ông Sông nên Lẹ lên huyện Mỹ Xuyên sống với gia đình bên vợ. Một năm trước, Lẹ với cậu vợ là Giang cùng đi làm thuê cho chủ một sà lan ở tỉnh khác.

Gần Tết Nguyên đán Bính Thân, Giang với Lẹ về thăm vợ con thì được ông Thượng mời họ làm công với lương từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Do cả hai không có giấy phép lái tàu nên chủ chỉ giao việc thả - nhổ neo, tiếp nhận nhiên liệu, nấu cơm.

Ngày 17/3, ông Thượng lái tàu kéo sà lan chở cát từ Trà Vinh về Đồng Nai. Khi đến địa phận TP HCM, do có việc cần lên bờ nên Thượng giao phương tiện cho Giang cầm lái. Đến cầu Ghềnh ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) vào trưa 20/3, tàu gặp dòng nước xoáy, Giang không có kinh nghiệm xử lý nên sà lan đâm vào mố cầu, gãy nhịp.

Theo ông Thanh, con trai ông kể rằng, lúc nước "đạp" mạnh, Giang đã tăng ga nhưng máy tắt. Anh này yêu cầu Lẹ khởi động lại máy 2 lần nhưng bất thành.

"Giang kể, trong lúc khẩn cấp, nó kêu cháu Lẹ tháo dây giữa tàu kéo và sà lan nhưng không kịp. Sà lan sau đó đâm vào trụ cầu và lật úp rồi tàu kéo chìm theo. Lúc đó, Giang tưởng nó không sống được vì kẹt trong cabin nhưng một lúc sau tìm được lối để chui ra ngoài", ông Thanh nói.

Theo người cha, sau khi Giang và Lẹ được một ghe câu vớt vào bờ, họ mượn điện thoại của người dân gọi cho vợ. Lúc này, cả hai không có tiền nên xin của người dân xung quanh một ít rồi đón xe đò trốn về quê.

"Hai đứa nó không còn điện thoại nên tôi gọi không được. Nếu liên lạc được hôm đó, tôi kêu tụi nó đến cơ quan điều tra trình diện chứ không được bỏ trốn. Giang nói, tụi nó biết thế nào cũng bị công an bắt nên tranh thủ về quê thăm vợ con rồi đi. Hai đứa về nhà nửa đêm thì 6h hôm sau công an xã đến mời đi", ông Thanh kể.

Ông Thượng và hai người làm công Giang, Lẹ. Ảnh: Đ.X.


Tại quê nhà, Giang có con gái 13 tuổi, vợ mang thai sắp sinh. Còn Lẹ, vợ thanh niên này cũng mang thai, gia đình nghèo, sống cùng cha mẹ không có nghề nghiệp ổn định.

Ông Thanh cho biết, Giang lái tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh nên trách nhiệm hình sự đối với thanh niên này là không thể tránh khỏi. Người cha chỉ mong các cơ quan pháp luật ở Đồng Nai xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho Giang như nhân thân tốt, làm theo sai khiến của chủ.

Đối với Lẹ, ông Sông mong muốn con trai được công an cho tại ngoại để về nhà chăm sóc vợ. "Nếu con tôi vô can thì cơ quan điều tra sớm thả nó ra. Còn có tội thì mong được pháp luật khoan hồng, xử nhẹ", ông Sông nói.

Trò chuyện cùng phóng viên, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, mức án cao nhất của Điều 212 và 215 là 15 năm tù. Theo quy định của pháp luật, mức án này thuộc thẩm quyền điều tra của các cơ quan tố tụng cấp huyện, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh.

Như vậy, có thể trong vài ngày tới, Công an Đồng Nai sẽ chuyển hồ sơ cho Công an TP Biên Hòa thụ lý theo thẩm quyền.

>> Vụ sập cầu Ghềnh: Thiệt hại rất lớn, ai phải bồi thường
>> Vụ sập cầu Ghềnh: 2 tài công có thể chịu mức phạt cao nhất 15 năm tù giam

Theo Việt Tường (Zing.vn)

Nổi bật