Đêm kinh hoàng của chàng Việt kiều

20/01/2015 07:44:21

Đối với phụ nữ, ngày 8-3 là ngày vui vẻ nhất trong năm, nhưng với bà Lê Thị Tiếng (ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là ngày đoản mệnh đau thương không gì bù đắp nổi.

Đối với phụ nữ, ngày 8-3 là ngày vui vẻ nhất trong năm, nhưng với bà Lê Thị Tiếng (ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là ngày đoản mệnh đau thương không gì bù đắp nổi. Con trai bà - một Việt kiều Mỹ về quê ăn tết, là mục tiêu đánh cướp của bọn tội phạm lúc nửa đêm.


Ảnh minh họa

Sau khi đã vô hiệu sự kháng cự của mẹ con bà Tiếng, bọn cướp nhanh chóng lục soát cướp 382 USD, 100.000 đồng và lột luôn chiếc đồng hồ Seiko của anh Hùng, cướp đôi bông tai của bà Tiếng. 

Hành động xong, bọn cướp thản nhiên chia tài sản cướp được ngay tại hiện trường. Thấy anh Hùng bị dây thun siết phù tay, bọn chúng lấy vải buộc 2 ngón tay anh lại và mở dây thun, dùng băng keo dán miệng mẹ con anh, lấy dây xích cột chân anh Hùng. Sau đó chúng dắt 2 xe máy ra ngoài định nổ máy tẩu thoát. Anh Hùng tự mở dây trói và chạy theo tri hô cướp. Bọn cướp luýnh quýnh rồi vứt lại 2 xe máy. Anh Hùng quay vào nhà mở trói cho mẹ thì phát hiện thân thể bà đã lạnh ngắt.

Hung tin được cấp báo về Công an huyện Cần Đước và Phòng Cảnh sát điều tra. Công tác khám nghiệm hiện trường và tử thi được tiến hành khẩn trương, kết quả cho thấy bà Lê Thị Tiếng chết do ngạt đường hô hấp.

Làm việc với các điều tra viên, anh Phạm Thanh Hùng cho biết trong số các tên cướp có một tên quen quen, hình như ở cùng ấp. Các trinh sát lập tức truy tìm và sáng 9-3 đã mời người “quen quen” ấy là Đặng Văn Trọng (ngụ cùng ấp 1B, làm nghề bốc vác tại TPHCM) lên làm việc. Qua gần một ngày thẩm vấn, xét thấy chưa có bằng chứng xác đáng về khả năng  liên quan nên cơ quan điều tra buộc phải cho Trọng về.

Quyết tâm vạch trần chân tướng bọn cướp của giết người, Giám đốc Công an tỉnh Long An chỉ đạo thành lập Ban chuyên án, phân công lực lượng trinh sát và điều tra viên giàu kinh nghiệm vào cuộc. Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trực tiếp đến Long An cùng Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo điều tra phá án.

Theo lời khai của anh Hùng, bọn cướp có 3 tên, độ tuổi rất trẻ, khoảng dưới 20. Anh Hùng là Việt kiều, mục tiêu cướp nhằm vào anh nên chắc chắn bọn cướp phải là người địa phương, Ban chỉ huy chuyên án nhận định và chỉ đạo trinh sát tăng cường nắm tình hình quần chúng ở ấp 1B và khu vực lân cận. Nhận định trên hoàn toàn chính xác khi 4 ngày sau, trinh sát được quần chúng cho biết, trong đêm xảy ra án mạng có tên Sót (cháu bà Sáu N. cùng xóm với bà Tiếng) từ hướng nhà bà Tiếng đi ra với thái độ khả nghi. Truy xét nhanh nguồn tin quý giá này, trinh sát xác định tên Sót chính là Trần Ngọc Đình (ngụ Q6, TPHCM) sống lang thang. Trong đêm 8-3, Đình ngủ lại nhà cô ruột Sáu N. và có gởi cho bà một số tài sản. Trước khi Đình đi xe ôm về hướng TPHCM, bà Sáu N. có hỏi chuyện về tài sản gởi thì Đình nói đã lỡ tay giết bà mẹ Việt kiều, số tài sản trên cướp của gia đình đó.

Tia sáng vụ án đã hé mở, Ban chuyên án chỉ đạo trinh sát khẩn trương truy bắt Trần Ngọc Đình. Tuy có hộ khẩu tại quận 6, TPHCM nhưng Đình sống lang thang rày đây mai đó nên việc tìm hắn quả không đơn giản. Kiên trì lần theo các mối quan hệ người thân, bạn bè của Đình, bốn ngày sau trinh sát phát hiện hắn đang lang bạt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách Cần Đước khoảng 50 cây số.

Thật thà nhận tội, Đình khai đã cùng Đặng Văn Trọng và Lê Hoàng (ngụ huyện Châu Thành, Tiền Giang) thực hiện vụ cướp và giết bà Tiếng. Tài liệu bắt giữ tên Trọng được củng cố thì hắn đã chuồn khỏi địa phương ngay sau khi được cho về. Cuộc truy tìm người “quen” được trinh sát tiến hành khẩn trương cùng với công tác vận động gia đình đưa Trọng ra đầu thú. Ngày 20-3, Đặng Văn Trọng được gia đình đưa đến cơ quan điều tra đầu thú sau 10 ngày lẩn trốn. Trọng khai Lê Hoàng ở trọ tại đường Hùng Vương, P6Q6, TPHCM.

Chiều 20-3, tổ trinh sát do thượng úy Lê Thành Trung, Đội phó Đội truy xét lập tức lên TPHCM phối hợp với CSHS quận 6 và CAP6 kiểm tra nhà trọ, bắt giữ Lê Hoàng lúc 23 giờ cùng ngày.

Kết quả đấu tranh cho thấy, Trọng và Hoàng quen biết nhau trong thời gian làm nghề bốc vác tại chợ Bình Tây, quận 6. Long quen thêm Đình. Thấy nghề bốc vác cực khổ mà chẳng được bao nhiêu tiền, Trọng và Hoàng bàn nhau đi cướp. Tại điểm hẹn Gò Đen, Long An, Đình gợi ý với Trọng về quê Tiền Giang của y cướp, Hoàng bảo đi cướp giật, Trọng gạt phăng và bảo gần nhà Trọng có cha Việt kiều về quê ăn tết có tiền, vàng nhiều, nhà cũng có xe máy, mình đánh một quả lớn luôn, cả bọn đồng ý. Để thực hiện âm mưu tàn độc, bọn chúng chuẩn bị dao phay cạy cửa, dao Thái Lan và dao bấm. Đêm 8-3, đến nơi thấy nhà còn xem ti vi, cả ba ngồi chờ bên ngoài. Hơn 22 giờ, gia đình bà Tiếng đi ngủ thì chúng cạy cửa đột nhập hành động. Trọng khống chế trói anh Hùng, Đình và Hoàng trói bà Tiếng cướp số tài sản và đã gây ra cái chết đau thương cho bà Tiếng.

Tại phiên tòa ngày 5-5-2000, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét thấy việc dùng hung khí khống chế bị hại, cướp tài sản có giá trị lớn, đồng thời gây ra cái chết đau thương cho bà Lê Thị Tiếng là hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Lê Hoàng đã phạm hai tội: “cướp tài sản” và “giết người”, tuy nhiên khi lượng hình, hội đồng xét xử đã cân nhắc tình tiết giết người không có dự mưu, chỉ tự phát khi khống chế sợ bị lộ nên tuyên phạt Lê Hoàng mức án chung thân về tội “giết người”, 14 năm tù về tội cướp tài sản. Đặng Văn Trọng và Trần Ngọc Đình lãnh 14 và 12 năm tù về tội “cướp tài sản”.         


* Tên đối tượng đã được thay đổi

Theo Thanh Nghị (Công An TPHCM)

Nổi bật