Trước ngày bị mời lên công an để cơ quan điều tra bắt tạm giam, bà Bích linh cảm biến cố sắp xảy ra nên gọi tài xế lấy xe tải chở mình rời miền Tây.
Nửa tháng qua bà Huỳnh Ngọc Bích ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã thật sự "sổ lồng", đi lại khắp nơi để giao dịch làm ăn khi được TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Người phụ nữ 50 tuổi này cũng được khôi phục lại danh dự, quyền lợi và lợi ích hợp pháp vì không phạm tội Tham ô tài sản như cơ quan công tố cáo buộc.
Sau tuyên án, bà Bích bật khóc tại sân tòa. Nữ chủ nhiệm Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích này khóc vì vui mừng, nhiều năm đi khắp nơi kêu oan nay đạt được kết quả như mong muốn.
"Tôi không làm gì bậy nên không chịu mang tiếng xấu. Đây là lý do tôi kêu oan đến cùng để giành lại sự trong sạch", bà Bích nói.
|
Bà Bích ra tòa lần đầu tiên vào cuối tháng 5/2011 sau nửa năm được cho là bỏ trốn.
|
Gần 30 năm trước bà Bích vào làm việc trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong lần mang tiền xuống cơ sở phát vay, bà phát hiện thủ quỹ chi thừa 20 triệu đồng. Thông tin này được báo cáo với những người đi cùng nhưng về đến cơ quan bà bị lãnh đạo kiểm điểm, cắt thưởng vì tình nghi tham lam.
Năm 1991 bà Bích mở tiệm tạp hóa ở chợ Mỹ Xuyên sau khi xin nghỉ việc ngân hàng vì thấy công việc không còn phù hợp. Được một năm, người phụ nữ này chuyển sang nghề mua đầu tôm để bán lại cho người trồng dưa hấu và kinh doanh trùng lá khi có nhiều người đến miền Tây mua trùng xuất khẩu sang nhiều nước để làm mồi câu.
Bốn năm sau, thấy cha nhận tiền nghỉ hưu được 600.000 đồng (khoảng 1,5 chỉ vàng), bà Bích mượn hết số tiền này để mở tổ hợp đan giỏ. Nhờ thị trường tiêu thụ tốt, cuối năm ấy tổ hợp này tạo được công ăn việc làm cho 300 lao động.
Năm 2002 bà mở HTX đan đát bằng nguyên liệu lục bình (trôi trên sông mang lên phơi khô) nên được người dân miền Tây gọi là "nữ hoàng lục bình" khi tạo công ăn việc làm cho trên 8.000 lao động ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng khi HTX đang ăn nên làm ra, giữa năm 2009 bà Bích bị Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về hành vi Tham ô tài sản.
Một năm bị điều tra, đêm 11/11/2010 bà nằm mơ thấy điềm xấu. Giật mình thức giấc bà toát mồ hôi, linh tính biến cố sắp xảy ra nên gọi điện cho tài xế, đồng thời là Phó chủ nhiệm HTX lái xe tải đến chở mình lên Bình Dương trước khi trời sáng.
"Thùng xe lúc đó chất đầy hàng hóa, tôi nằm gần dưới chân tài xế ở khu vực ca bin, phía trên chất nhiều dây lục bình phơi khô, chỉ chừa lỗ nhỏ để thở. Khi xe rời Sóc Trăng, đến Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang mới dừng lại để tôi ngoi lên rồi đi tiếp", bà Bích kể thời điểm sợ bị công an bắt dù có chồng là công an.
|
Suốt hành trình kêu oan của bà Bích luôn có sự đồng hành của cụ Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất ở Bình Dương. |
Sáng hôm sau, người thân của bà Bích đón khách đến nhà mời nữ gia chủ đến Công an thị trấn Mỹ Xuyên để cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng. Hay tin bà bỏ trốn, nhà chức trách gây áp lực với người chồng, yêu cầu gọi vợ về nếu không muốn bị xử lý hành vi Che giấu tội phạm.
"Chồng không che chở cho tôi lúc hoạn nạn mà điện thoại gọi về. Tôi không đồng ý và từ đó đến nay cả hai không còn sống chung", người vợ chia sẻ.
Lúc này người đầu tiên giúp bà Bích là cụ Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất ở Bình Dương. Cầm thư tay của đối tác làm ăn này, bà Bích đáp chuyến bay ra Hà Nội gặp cán bộ Liên minh HTX Việt Nam và bắt đầu hành trình kêu oan.
Bất bình trước việc làm của cơ quan điều tra, cuối tháng 4/2011 Liên minh HTX Việt Nam thành lập đoàn thanh tra, xác minh việc mở các lớp học của HTX Ngọc Bích theo hợp đồng ký kết với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng.
Trưởng đoàn thanh tra là ông Nguyễn Mạnh Thảo (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết, qua làm việc với học viên của 5 lớp học mà cơ quan điều tra cho là bà Bích không tổ chức, đoàn kiểm tra khẳng định bà Bích đều có mở lớp đầy đủ theo hợp đồng ở các điểm Thuận Hòa, An Hòa, Bình Hòa, Nhơn Hòa của xã Gia Hòa 2 và lớp tại xã Tham Đôn của huyện Mỹ Xuyên.
Khi khai giảng các lớp này, cán bộ huyện, xã dự đầy đủ và báo đài địa phương chụp ảnh, quay phim đưa tin rầm rộ bởi đây là mô hình mang lại hiểu quả kinh tế cao cho người dân nghèo miền Tây. Từ đó, ông Thảo cho rằng số tiền HTX Ngọc Bích nhận về (17,6 triệu đồng) từ việc mở lớp cho bà con nghèo là hợp pháp.
Gần nửa năm được cho là bỏ trốn, bà Bích trở lại Sóc Trăng trước đêm vụ án đưa ra xét xử lần đầu vào cuối tháng 5/2011. Sau nhiều lần hoãn với nhiều lý do khác nhau, đến lần xử thứ 6 vào tháng 3/2012, HĐXX bà Bích nửa năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Tham ô tài sản. Cùng tội này, các bị cáo còn lại lĩnh từ 2-4 năm tù.
|
Bà Bích được tuyên vô tội vào đầu tháng 2/2015. Nữ chủ nhiệm HTX bật khóc khi ra đến sân tòa. |
Cho rằng có mở đầy đủ các lớp dạy nghề theo hợp đồng ký kết với ngành công nghiệp, bà Bích kháng cáo kêu oan. Tháng 4/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại.
Theo cấp phúc thẩm, cấp sơ thẩm căn cứ kết quả giám định 712 chứng từ thanh toán được cho là không hợp lệ để buộc bà Bích với các bị cáo khác tham ô trên 402 triệu đồng từ nguồn vốn dạy nghề cho nông dân là chưa chính xác.
Cũng theo cấp phúc thẩm, Sở Công thương Sóc Trăng đóng vai trò chủ quản, giám sát thực hiện nhiều đề án khuyến công nhưng buông lỏng quản lý. Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng thiếu kiểm tra chứng từ thanh toán mà không cán bộ nào bị xử lý là bỏ lọt tội phạm.
Ra tòa lần này những cán bộ được cho là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đã không được cơ quan tố tụng nhắc đến. 1/7 bị cáo bị VKS buộc tội Tham ô tài sản được HĐXX chuyển tội danh thành Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người lĩnh phạt án cao nhất trước đây là Ngô Hồng Phi (nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến công) bị tăng án từ 4 lên 8 năm tù và riêng bà Bích được tuyên vô tội.
"Bản án xử công tâm với cá nhân tôi. Mong tất cả những người còn lại nếu có kháng cáo đều được cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo hơn để trả lại sự công bằng", bà Bích nêu quan điểm.
Theo Việt Tường (Zing.vn)