Thời gian qua tình trạng mại dâm vẫn luôn là vấn đề phức tạp và gây nên nhiều tranh cãi bởi mức xử phạt với người vi phạm làm sao để đủ sức răn đe.
Hiện nay Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo quy định tăng mức phạt lên nhiều lần cho các vi phạm liên quan đến hoạt động mại dâm, ngoài ra còn có thêm nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Và một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đối với hành vi mua dâm.
Trước đề xuất này, nhiều người còn băn khoăn chưa hiểu tang vật, phương tiện vi phạm ở đây là gì? Theo một luật sư nhận định, tang vật, phương tiện mua dâm có thể hiểu là tiền, điện thoại, xe, thậm chí... bao cao su.
Bày tỏ quan điểm trước vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa- Đại biểu Quốc hội khóa XV bày tỏ: "Theo quan điểm của tôi, việc tăng mức xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội là biện pháp tốt để phòng ngừa, răn đe những đối tượng vi phạm.
Biện pháp này là phù hợp tuy nhiên phải tùy theo hoàn cảnh, điều kiện và mức vi phạm của mỗi con người mà chúng ta xử phạt nghiêm minh, đúng lúc và kịp thời, tránh tình trạng lạm quyền, lạm dụng để gây khó khăn phiền hà cho người dân.
Đặc biệt làm sao bảo đảm được quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng, bất khả xâm phạm đời tư của mỗi công dân. Dù có xử phạt gì đi nữa cũng phải căn cứ vào những quy định, những văn bản có hiệu lực pháp luật được ban hành, văn bản quy phạm pháp luật, luật xử phạt hành chính... Tất cả những quy định pháp luật này phải xem xét kỹ, áp dụng cho phù hợp với thực tiễn để ban hành xử phạt.
Ví dụ nếu ban hành văn bản xử phạt hành chính trong lĩnh vực mại dâm, tôi cho rằng đây là điều kiện cần và đủ để khi phát hiện ra đối tượng thực hiện hành vi mua bán dâm thì cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử phạt".
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích: "Những phương tiện như điện thoại, xe không phải là phương tiện để đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.
Tác giả nghĩ rằng điện thoại là phương tiện liên hệ giữa người mua dâm và người bán dâm, còn xe là phương tiện chở người đến để thực hiện hành vi nhưng tôi cho rằng nó không phù hợp.
Những tài sản đó có khi chưa chắc đã phải của cá nhân họ, có khi họ mượn hay thuê để sử dụng vào chuyện riêng biệt chứ không phải chỉ sử dụng mua bán dâm.
Cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính ở mức độ nào đó những đối tượng trên, có thể thay vì phạt 1 triệu đồng thì cơ quan chức năng phạt đến 5 hoặc 10 triệu đồng nhưng phương tiện thì không được thu. Nếu thu phương tiện trên sẽ gây nên một sự phản cảm không hay trong dư luận.
Với những vụ buôn bán ma túy thì việc tịch thu phương tiện là hoàn toàn đúng, nhưng với những vụ mua bán dâm phải nhìn nhận về mặt xã hội bởi đây là nhu cầu xã hội.
Họ có nhu cầu ở đâu thì thực hiện những hành vi vi phạm ở đó, vậy nên chỉ có thể xử phạt hành chính về hành vi này, nếu tịch thu phương tiện là không phù hợp".
Theo Thanh Thanh (Đất Việt)