5 bảo vệ bị truy tố vì đã ném 40 bao xi măng của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc xuống đầm tôm làm hư hỏng toàn bộ số xi măng.
Cụ thể, 5 bị can bị đề nghị truy tố gồm Lê Văn Lang (trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm), Trương Văn Lớn (đội phó bảo vệ rừng ngập mặn), Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc), Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ), Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông).
Theo cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc được người khác ủy quyền quản lý rừng và nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải (đoạn ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) và có sự đồng ý của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành.
Sau khi phát hiện bà Ngọc xây chòi canh tôm bằng bêtông cốt thép gần 20m2, lực lượng bảo vệ rừng đưa 11 người của ban đến tổ chức ngăn chặn, không cho xây dựng trái phép.
Cụ thể, trưa 26-2, lực lượng bảo vệ đến mời thợ xây về xã làm việc thì bị ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) đứng ra ngăn cản nên một số bảo vệ khống chế bắt trói ông Ni để các bảo vệ còn lại làm việc.
Tại chòi tôm, giữa bà Ngọc và lực lượng bảo vệ xảy ra xô xát, hai bên giằng co nhau. Sau đó, 5 bị can trên đã ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống đầm tôm làm hư hỏng toàn bộ số xi măng. Tiếp đó, ngày 27-2 lực lượng bảo vệ rừng đã cho tháo gỡ bốn khung sắt cột công trình xây dựng ném xuống đầm tôm.
Theo cơ quan điều tra, qua khám nghiệm hiện trường cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được, đủ căn cứ chứng minh 5 bị can Ẩn, Tú, Lớn, Lang, Tuân đã có hành vi hủy hoại tài sản 40 bao xi măng của bà Ánh Ngọc trị giá 3,4 triệu đồng.
Riêng hành vi tháo gỡ 4 khung sắt cột ném xuống đầm tôm của bảo vệ Nguyễn Minh Tuấn và bị can Lê Ngọc Tuân trị giá dưới 2 triệu đồng. Vì vậy, Công an huyện Nhơn Trạch đã ra quyết định xử phạt hành chính Tuấn, còn Tuân đang là bị can trong vụ án hủy hoại tài sản (ném xi măng) nên được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Về việc bà Ngọc tố cáo bảo vệ rừng Trần Văn Tròn ném điện thoại của bà Ngọc và ông Ni, cơ quan điều tra cho rằng bà Ngọc chưa chứng minh được đặc điểm, nguồn gốc điện thoại.
Kết quả truy tìm vậy chứng không tìm thấy và kết quả định giá không xác định được giá trị tài sản nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự ông Tròn.
Đối với hành vi của bảo vệ rừng Đàm Văn Đắc, Phạm Đức Tú, Lê Văn Lang bắt trói ông Nguyễn Văn Ni, cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra thụ thập tài liệu xử lý sau.
Cũng theo cơ quan điều tra, bà Ngọc tự ý xây dựng chòi canh tôm có tính chất kiên cố trên đất rừng phòng hộ đã vi phạm nên đã có công văn đề nghị UBND xã xử lý theo thẩm quyền.
Liên quan đến vụ án này, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã và đang xử lý những người có trách nhiệm gây oan sai cho bà Ngọc.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, ngày 19-4, bà Ngọc nhận được thư mời lên công an xã Phước An để làm việc về vụ nhân viên bảo vệ rừng đánh bà.
Tuy nhiên tại xã, bà Ngọc bị Công an huyện Nhơn Trạch bắt tạm giam để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ” xảy ra từ ngày 5-9-2015.
Khi đó, từ thông tin trên Tuổi Trẻ, bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xác định việc bắt tạm giam bà Ngọc là sai.
Sau đó Viện KSND và Công an huyện Nhơn Trạch thả bà Ngọc, xin lỗi bà sau bốn ngày bà bị bắt tạm giam.
Hiện hội đồng kỷ luật của Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Chí Hà (phó Viện trưởng VKND huyện Nhơn Trạch) và ông Phạm Hùng Chinh (kiểm sát viên) do phê chuẩn dẫn đến bắt oan bà Ngọc.
Riêng Công an Đồng Nai cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác với thượng tá Trương Quốc Hiếu (phó trưởng Công an huyện Nhơn Trạch) và thiếu tá Nguyễn Văn Sơn (điều tra viên, đội phó đội điều tra tổng hợp) để chờ xử lý theo quy định của ngành và các quy định pháp luật.
Theo Thế Thiên (Tuổi Trẻ)