Đề nghị điều tra bổ sung vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh 112 năm tuổi

14/11/2017 11:12:27

Luật sư cho rằng cơ quan quản lý cầu Ghềnh không lắp hệ thống chống va nên cầu bị sập khi va đập. Đây là dấu hiệu của hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

8h30 sáng 14/11, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) mở phiên hình sự sơ thẩm, xét xử 2 bị cáo trong vụ điều khiển sà lan tông sập cầu Ghềnh. 

Ông Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) bị VKSND Biên Hòa truy tố hai tội là Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn và Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy.

Anh Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Từ 7h sáng, người thân và những người liên quan được tòa án mời đã có mặt tại tòa. Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thế Thượng (chủ sà lan đâm sập cầu Ghềnh) đã có văn bản đề nghị TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) hoãn phiên xét xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều tình tiết khác chưa rõ.

Đề nghị điều tra bổ sung vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh 112 năm tuổi
Bị cáo Phượng và Giang tại tòa. Ảnh: Ngọc An.

Theo luật sư Trần Hải Đức, một ngày trước lịch diễn ra phiên xét xử, ông đã đến cầu Ghềnh mới tại xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa) để xem xét. Ông nói rằng các mố cầu tại đây đã được xây dựng hệ thống chống va. Trong khi đó, chân trụ cầu Ghềnh cũ trước và sau khi đổ sập xuống sông đều không có trụ chống va.

Luật sư Đức nói rằng các trụ chống va tại cầu Ghềnh cũ không được đơn vị quản lý, chủ sở hữu tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ông phân tích: “Nếu các chân cầu đều có trụ chống va như cầu Đồng Nai nhỏ thì hậu quả sẽ không dẫn đến sụp đổ cầu. Hậu quả này cho thấy có dấu hiệu của hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 144 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi 2009. Cho thấy quá trình điều tra có dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội”.

Đề nghị điều tra bổ sung vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh 112 năm tuổi - 1
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ảnh: Ngọc An.

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo, các kết quả giám định tài sản có nhiều tình tiết chưa rõ ràng nên ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại về mặt dân sự.

Từ những tình tiết trên, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh bỏ sót người, lọt tội.

Sau đề nghị của luật sư Đức, HĐXX đã hội ý và tuyên tiếp tục phiên xét xử. Thẩm phán nói rằng các tình tiết đã thể hiện trong hồ sơ vụ án nên không hoãn phiên tòa.

Đề nghị điều tra bổ sung vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh 112 năm tuổi - 2
Cầu Ghềnh bị đổ sập xuống sông hồi tháng 3/2016. Ảnh: Ngọc An.

Theo cáo trạng, ông Thượng là chủ tàu kéo và biết rõ phương tiện có số hiệu SG-3745 không đảm bảo an toàn kỹ thuật, nhưng vẫn giao cho Giang sử dụng dù anh này không có bằng thuyền trưởng.

Sáng 19/3/2016, Giang chạy tàu này và đẩy theo sà lan chở cát cát từ sông Cổ Chiên ở Trà Vinh lên Đồng Nai. Lúc này, trên tàu không bố trí đủ định biên thuyền viên theo quy định.

Đến 11h30 ngày 20/3/2016, Giang dùng tàu kéo để đẩy sà lan cát đến cầu Đồng Nai Lớn (cầu Ghềnh, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) thì sà lan va vào trụ số 2 khiến cầu Ghềnh bị sập.

Tổng thiệt hại tài sản trong vụ này lên đến gần 21,8 tỷ đồng.

Đề nghị điều tra bổ sung vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh 112 năm tuổi - 3
Địa điểm xảy ra sự cố sập cầu. Ảnh: Google Maps.

Theo Ngọc An (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật