Theo đó, đại diện VKSNĐ TP HCM giữ quyền công tố tại phiên toà đã đề nghị Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) mức án 20 năm tù tội "Vi phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", 20 năm tù tội "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp là 40 năm tù.
Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên TGĐ VNCB) từ 24 - 26 năm tù.
Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn) từ 22 - 24 năm tù.
Hoàng Đình Quyết (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị từ 20 - 22 năm tù.
Nguyễn Quốc Viễn (SN 1976, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát VNCB) từ 14- 16 năm tù.
Ngoài ra, 31 bị cáo khác nguyên là giám đốc các công ty, nhân viên VNCB bị đề nghị từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 11 năm tù.
Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị tổng hợp mức án 40 năm tù |
Về dân sự, buộc Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra; đối với quyền sử dụng đất Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), biệt thự ở Bình Chánh, nhà ở Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình) là tài sản của vợ chồng Danh nên kê biên; đất tại Quảng Ngãi thuộc quyền sử dụng của công ty Danh nên cũng kê biên, nhà ở số 5 Phạm Ngọc Thạch (quận 3) do bà Hứa Thị Phấn bán cho ngân hàng, yêu cầu tòa giao cho ngân hàng.
Ngoài ra, 124 sổ tiết kiệm, đất ở Khu du lịch Long Hải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và 44 lô đất đang được ngân hàng kê biên nên HĐXX tuyên theo quy định của pháp luật.
VKS còn kiến nghị tòa khởi tố Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt); yêu cầu Bộ Công an khởi tố, điều tra đối với Phạm Thị Trang (“Trang Phố núi”)
Kiến nghị khởi tố, điều tra đối với nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện do nhóm này có dấu hiệu lừa đảo và cần điều tra làm rõ hành vi của Lưu Trung Kiên; khởi tố tại tòa đối với Trần Hiệp.
VKSND TP HCM kiến nghị điều tra làm rõ hành vi cho vay tại BIDV, do vụ án liên quan đến BIDV đã tách ra thành vụ án khác cần làm rõ; làm rõ vai trò được phân công trong ban thanh tra Ngân hàng Nhà nước do đã không làm tốt nhiệm vụ để Phạm Công Danh phạm tội.
Liên quan đến khoản tiền 5.490 tỉ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát), VKS cho rằng căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, có đủ cơ sở cho rằng khoản tiền trên đã được chuyển ra khỏi tài khoản trái với ý chí của bà Bích. Do vậy, VKS đề nghị cần phục hồi toàn bộ số tiền trên trong tài khoản bà Bích trên cơ sở bà Bích phải hoàn trả tất cả các hợp đồng vay, ngân hàng tiếp tục quản lý 124 sổ tiết kiệm của nhóm này.
Đối với cá nhân bà Bích, do quá trình điều tra và thẩm vấn tại toà vẫn chưa làm rõ được có việc giữa bị cáo Danh và bà Bích có quan hệ cho vay. Bà Bích khai chỉ làm việc với Phạm Thị Trang ("Trang Phố núi") trong khi Trang đã xuất cảnh nên không thể lấy lời khai, chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của bà Bích và các cá nhân liên quan.
Đề nghị toà tuyên thu hồi 5.190 tỉ đồng cùng 124 sổ tiết kiệm, thu hồi 500 tỉ đồng từ nhóm Trần Ngọc Bích, thu hồi 851 tỉ đồng từ bà Hứa Thị Phấn, thu hồi 3 tỉ đồng từ Nguyễn Việt Hà.
Các bị cáo đến tòa |
VKSND TP HCM nhận định đây là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Theo VKS, trong những năm gần đây, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng.
Tại toà, mặc dù một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại tòa, có đủ cơ sở kết luận Phạm Công Danh và các bị cáo đã phạm vào tội danh như bản cáo trạng quy kết.
Khoảng tháng 9-2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đã nắm quyền điều hành TrustBank (sau này là VNCB). Dưới sự lãnh đạo của Phạm Công Danh, vốn chủ sở hữu ngày càng âm, lỗ lũy kế ngày càng tăng. Hậu quả, dưới thời Phạm Công Danh điều hành, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng.
Theo P.Dũng (Nld.com.vn)
Ảnh: H.Triều