Trong phiên thảo luận của Quốc hội về báo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng:
Theo đánh giá của Chính phủ tại Báo cáo số 475 ngày 13.10.2018 cho thấy, mặc dù có rất nhiều nỗ lực cố gắng, tội phạm và vi phạm về trật tự xã hội có giảm nhưng tính chất vẫn rất phức tạp, cường độ bạo lực gia tăng, có nơi gây lo lắng bất bình trong nhân dân. Hoạt động phòng, chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Tại báo cáo xác định có 7 nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thứ tư, công tác điều tra xử lý tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp là hết sức khó khăn.
Ông dẫn chứng, năm 2018, tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn Nghệ An diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Công an Nghệ An đã phát hiện khởi tố 12 vụ mua, bán người và mua, bán trẻ em. Phối hợp với các đơn vị giải cứu thành công 6 nạn nhân từ Trung Quốc trở về Việt Nam an toàn. “Đặc biệt thời gian gần đây tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An xảy ra tình trạng mua, bán trẻ em với thủ đoạn mới, đó là các đối tượng mua, bán người tìm đến các gia đình người dân tộc Khơ mú có phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 để dụ dỗ, lôi kéo sang Trung Quốc sinh con rồi bán cho người Trung Quốc với số tiền từ 60 triệu đến 80 triệu tùy thuộc vào con trai hay con gái, trong đó con gái giá cao hơn”, Giám đốc Công an Nghệ An cho biết.
Ông nói thêm, cuối năm 2017 đến nay tại 2 xã Hữu Lập và Hữu Kiểm của huyện Kỳ Sơn đã xảy ra 22 vụ án với thủ đoạn nêu trên. Công an tỉnh đã chỉ đạo điều tra, xác minh, xác định được đối tượng phạm tội, cá biệt có vụ bán cả mẹ, cả con. Công an giải cứu được mẹ nhưng không giải cứu được con vì không biết con ở đâu. Các đối tượng liên quan đến vụ án đều thừa nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra chỉ khởi tố, xử lý được hành vi bán mẹ, còn hành vi bán đứa con không thể xử lý được. Công an Nghệ An đã trực tiếp trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng thời có văn bản xin hướng dẫn của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đều được trả lời chưa có văn bản nào hướng dẫn các vụ án nói trên.
“Công an Nghệ An đã nhiều lần đến Móng Cái, Quảng Ninh với hy vọng điều tra hành vi tổ chức môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nhưng đều không thành công. Bởi nạn nhân sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, do bọn chuyên dẫn dắt môi giới đưa đi. Hiện nay 22 vụ án nói trên đang bị bế tắc không có đường lối xử lý và nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì tình trạng mua, bán trẻ em với thủ đoạn nêu trên sẽ tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, gây bất an, bất bình trong nhân dân”, đại biểu Cầu nói.
Vị Giám đốc Công an Nghệ An nêu ví dụ điển hình nữa, cách đây hơn 5 năm chị Hoàng Thị H sinh năm 1961 tại Nghi Lộc, Nghệ An đã có đơn tố cáo 2 đối tượng người ở Cửa Lò và Diễn Châu giết con trai của chị là Nguyễn Phú M tại Quảng Châu, Trung Quốc. Gia đình bị hại đã sang Trung Quốc nhận xác con đưa về mai táng, đề nghị cơ quan điều tra xử lý nghiêm các thủ phạm. 2 đối tượng đã đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi và xác định nguyên nhân của vụ án là do mâu thuẫn nên 2 đối tượng đã ra chợ mua dao và điều nạn nhân ra vùng hẻo lánh để sát hại.
Để giải quyết vụ án này Công an tỉnh Nghệ An đã rất nhiều lần gửi văn bản đến Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện KSND Tối cao nhưng đều không xử lý được. “Qua 5 năm vụ án vẫn bế tắc, gia đình vẫn nhiều lần làm đơn nhưng chúng tôi không xử lý được”, đại biểu Cầu bày tỏ.
Từ những ví dụ đã nêu, ông đề nghị các cơ quan tư pháp hình sự Trung ương hướng dẫn để công an Nghệ An tiếp tục điều tra làm rõ các vụ án nói trên. Kiến nghị với Chính phủ cần sửa đổi lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1998 đến nay để phù hợp và tháo gỡ các vướng mắc.
Theo Lương Kết (Dân Việt)