Đầu tư trái phép vàng qua mạng: Tiền bốc hơi, nợ ở lại

22/10/2015 09:57:50

Bất chấp khuyến cáo từ cơ quan chức năng, nhiều người vẫn lao vào trò kinh doanh trái phép này vì hám lời.

Chuyên án bóc gỡ hoạt động kinh doanh vàng ảo của Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Việt (có trụ sở và chi nhánh tại TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) do Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) chủ trì những ngày qua, đã chứng tỏ một điều: Bất chấp khuyến cáo từ cơ quan chức năng, nhiều người vẫn lao vào trò kinh doanh trái phép này vì hám lời.

Đặng Hữu Trung (bên phải) tại thời điểm CQĐT thực hiện biện pháp tố tụng


Hàng nghìn người mắc bẫy
Ở vụ phá sàn vàng ảo của Công ty Thiên Việt, CQĐT xác định, đã có hơn 1.000 người nộp tổng cộng khoảng 150 tỷ đồng vào công ty này để đầu tư vàng.  “Mồi câu” mà Thiên Việt đưa ra chính là lãi suất cao hơn ngân hàng.

Đáng lưu ý, trước vụ Công ty Thiên Việt, CQĐT Bộ Công an đã thực hiện biện pháp tố tụng đối với Công ty CP truyền thông và tiếp thị Sài Gòn (IMMS) cùng TGĐ Đặng Hữu Trung (35 tuổi), về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu của CQĐT, Trung đã lừa đảo nhiều tỷ đồng thông qua hình thức huy động vốn trả lãi suất cao.

Theo CQĐT, khi lập được sàn vàng trái phép, Đặng Hữu Trung đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để mua phần mềm nước ngoài. Tiếp đó, nhằm duy trì hoạt động của hệ thống phần mềm, Trung thuê máy chủ và trả phí với giá 4.000USD/tháng, để quản lý danh sách khách hàng, số tiền giao dịch. Khách hàng tham gia sàn IMMS phải nộp tối thiểu 22 triệu đồng và cho đến khi CQĐT vào cuộc, tổng số khách hàng tham gia giao dịch vàng với Công ty IMMS lên đến hơn 3.000 người.

Chưa hết, do “thèm” tiền, Đặng Hữu Trung đã nghĩ ra cách huy động vốn bằng hình thức hợp tác đầu tư. Đối tượng quảng cáo Công ty IMMS liên kết với một công ty ở Australia để kinh doanh tài chính và ai tham gia đầu tư sẽ phải nộp tối thiểu 5.000 USD, để được trả 1,7%/tháng.

Thực chất, Công ty IMMS không hề hợp tác đầu tư với đối tác nước ngoài nào và toàn bộ tiền thu của khách hàng đã bị Trung cùng đồng bọn chi phí thuê văn phòng, trả lương nhân viên, mua xe ôtô, mua đất, nhà ở và trả lãi cho khách hàng đầu tư trước đó. Kẻ điều hành sàn vàng IMMS cho đến khi bị bắt đang sở hữu 2 mảnh đất tổng diện tích 500m², 1 căn hộ diện tích 130m² ở Đà Nẵng; đã nộp 6 tỷ đồng mua 2 căn hộ ở khu Imperia An Phú;1 tòa nhà để cho thuê làm văn phòng, cùng nhiều ôtô hạng sang… So sánh số tiền 1,5 tỷ đồng đầu tư ban đầu để mở sàn vàng trái phép, riêng số tiền Đặng Hữu Trung mua sắm, ăn tiêu lên tới 30 tỷ đồng.
 

Đối tượng liên quan và tang vật 1 vụ sàn vàng trái phép bị triệt phá

Cầm chắc trắng tay

Tháng 6-2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 17/2010/TT-NHNN, nêu rõ: “Các tổ chức tín dụng đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài chậm nhất vào ngày 31-7-2010. Các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho các tổ chức tín dụng hết hiệu lực kể từ ngày 1-8-2010”. Quy định rõ ràng là vậy, nhưng sàn vàng chui vẫn tồn tại và biến tướng dưới nhiều hình thức ở một số tỉnh, thành phố.

Tính từ vụ triệt phá sàn vàng VGX của Công ty CP đầu tư VGX (ở 170 La Thành, Đống Đa, Hà Nội) tháng 9-2014, đến thời điểm này, đã có thêm 5 sàn vàng trái phép khác lộ diện. Đó là sàn vàng Khải Thái thuộc Công ty TNHH Tư vấn - đầu tư Khải Thái (ở 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội); sàn vàng HIG thuộc Công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI); sàn vàng IG (trụ sở chính ở Thanh Hóa); sàn vàng BBG thuộc Công ty CP Vàng và bất động sản BBG Việt Nam (trụ sở chính tại TP.HCM) và sàn vàng IMMS.

Cả nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư đã được rót vào các sàn vàng phi pháp này. Ở những sàn vàng đổ vỡ, xuất hiện tình trạng nhà đầu tư ùn ùn kéo đến rút tiền nhưng đa số đều ra về tay trắng. Theo cảnh báo của CQĐT, đây là hoạt động kinh doanh trái phép, nên mọi cá nhân tham gia vào hoạt động này (kể cả chủ sàn giao dịch lẫn các nhà đầu tư) đều đã vi phạm pháp luật. Chính vì thế, trong trường hợp CQĐT thu được tiền trong tài khoản của các vàn vàng hoặc truy thu thêm được của các cá nhân phạm tội, thì đây đều là vật chứng của vụ án.

Hoạt động đầu tư trái pháp luật nên việc thu hồi tiền đầu tư sẽ rất khó khăn.  “Ở sàn vàng trái phép, chủ sàn thường nắm chuôi dao, còn các nhà đầu tư sẽ cầm lưỡi. Việc tham gia đầu tư sàn vàng trái phép là vi phạm pháp luật, chưa kể rủi ro trắng tay khi sàn vàng đổ vỡ”, chỉ huy Phòng CS phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội khẳng định.
 
>> Nhà đầu tư sàn vàng IMMS nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng
>> Sàn vàng ảo lớn nhất Sài Gòn bị triệt phá

Theo Hoàng Quân (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật