Bi kịch một gia đình
Nguyễn Đức Vức (SN 1950, trú tại: Thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vừa bị TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử về tội Giết người.
Bị hại trong vụ án là bà Nguyễn Thị N. (SN 1941; chị cùng mẹ khác cha với bị cáo). Điều đáng nói là cả Vức và bà N. đều có bệnh án tâm thần.
Ngày Vức gây trọng tội vào khoảng 10 giờ 20 phút ngày 22/10/2019. Lúc này khi cả Vức và chị gái đang ở nhà thì chị Nguyễn Thị Hương, trú tại: Khu phố 2, thị trấn Gio Linh, đến thăm bà N.
Ngay khi vừa thấy bà N. nằm trên giường, tay ôm bụng, còn Nguyễn Đức Vức nằm dưới nền nhà. Chị Hương hỏi bà N.: “Bị Vức đánh phải không”, bà N. gật đầu.
Sau đó, chi Hương đi gọi bà Nguyễn Thị Cúc ở cùng khu phố sang nhà bà N. Nào ngờ khi chị này vừa đi khỏi, Vức nhớ lại việc bà N. không đưa tiền trợ cấp nên tức giận và dùng chân đạp hai cái vào vùng ngực phải của bà N.
Lúc này, chị Hương và bà Cúc vừa đến trước hiên nhà bà N., thấy vậy nên chạy vào can ngăn. Do vết thương quá nặng nên bà N. đã tử vong.
Phiên tòa lạnh ngắt như tờ trước bi kịch của một gia đình có hai chị em cùng mắc bệnh tâm thần. Song một người đã ra đi tức tưởi, người ở lại cũng ngoài 70 tuổi phải chịu cảnh tù đầy.
“Bị cáo tâm thần phạm tội giết người, không xuất phát từ tính chất côn đồ”
Nguyễn Đức Vức hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi theo luận giám định số: 1136 ngày 09/12/2019 của Trung tâm pháp y tâm thần Miền trung. Đứng trước bục khai báo, bị cáo ngây ngô như người mất hồn.
VKSND tỉnh Quảng Trị giữ nguyên cáo trạng truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Vức từ 13 đến 15 năm tù, về tội: “Giết người” với tình tiết định khung là phạm tội có tính chất côn đồ.
Với nội dung cáo buộc này, người bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của bị cáo bị hạn chế nên việc áp dụng tình tiết định khung “Phạm tội có tính chất côn đồ” được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 đối với bị cáo là chưa đủ căn cứ. Về các tiết tăng nặng, giảm nhẹ thống nhất với ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát, đồng thời đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”.
Vị luật sư đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Vức dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Đề nghị này của luật sư đã được HĐXX chấp nhận với lý do: Bị cáo có biểu hiện rối loạn tâm thần từ năm 1978 (Lúc bị cáo 28 tuổi) cho đến nay và không được điều trị. Căn cứ vào kêt luận của Trung tâm pháp y tâm thần Miền trung, kết luận: “…Bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi”.
“Như vậy, tại thời điểm phạm tội vì ý thức bộc phát nhất thời, không mong muốn hậu quả xảy ra, việc không thể làm chủ hoàn toàn được nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình nên dẫn đến việc bị cáo có hành vi dùng vũ lực gây ra hậu quả chết người không xuất phát từ tính chất côn đồ như cáo trạng đã truy tố”, HĐXX nhận định.
Do đó, Hồi đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận ý kiến của người bào chữa cho bị cáo, căn cứ Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
Khép lại vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Vức bị TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt 08 năm tù về tội: “Giết người”.
Theo Tư Viễn (Nguoiduatin.vn)