Việc người dân tức giận, đánh kẻ trộm là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc đánh người gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đánh kẻ trộm là sai luật
Trộm chó bị người dân đánh hội đồng. ẢNH: LÊ LÂM |
Mới đây, ngày 25.9, TAND tỉnh Tây Ninh bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 12 tháng tù, cho hưởng án treo, đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Ánh (63 tuổi, ngụ P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) về tội "Cố ý gây thương tích" trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.
HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo bồi thường cho bị hại hơn 75 triệu đồng.
Theo hồ sơ, ông Ánh liên tục 8 lần bị mất trộm gà nên vô cùng bức xúc.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 1.8.2015, sau khi uống rượu, biết nhà ông Ánh có chăn nuôi gà, Tạ Công Trung (23 tuổi) rủ Lê Minh Thành (21 tuổi, cùng ngụ P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh, là đối tượng nghiện ma tuý đang được điều trị cai nghiện - PV) vào nhà ông Ánh trộm gà làm thịt.
Ông Ánh dùng chĩa đâm vào người Trung làm mũi chĩa dính vào người Trung. Kết luận giám định thương tật của Trung tâm Pháp y Sở Y tế Tây Ninh, tại vùng bụng của Trung tổn thương 73% và vùng mông 1%.
Từ vụ việc này, khá nhiều bạn đọc báo Thanh Niên lo lắng đặt vấn đề nếu mình ở trong hoàn cảnh của ông Ánh sẽ không biết xử lý tên trộm như thế nào để tránh bị xử lý hình sự.
LS Nguyễn Thúy Lệ Huyền (thuộc Đoàn LS TP.HCM) khẳng định đánh người trộm cắp là sai hoàn toàn, vi phạm luật.
Theo LS Lệ Huyền, người dân nếu bắt quả tang kẻ trộm, có thể làm điều gì đó để kẻ trộm dừng hành vi đó lại là đủ, không nên đánh, hành hung họ. Bởi nếu thiếu sự kiềm chế, tức giận dẫn đến đánh những người trộm tài sản gây thương tích hoặc gây chết người thì vô tình từ người bị hại lại trở thành tội phạm, phải hầu tòa và bị lãnh án tù.
Giữ kẻ trộm và báo công an
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc người dân tức giận khi bắt được trộm, rồi đánh là điều rất dễ hiểu, thậm chí còn được nhiều người ủng hộ việc này vì cho rằng hành vi trộm cắp tài sản hiện nay diễn ra quá nhiều, thậm chí liên tục.
Tuy nhiên, hành vi đánh kẻ trộm là hành vi vi phạm pháp luật và không loại trừ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc đánh người gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Người dân đốt xe của một trộm chó. ẢNH: THANH NIÊN |
LS Chánh phân tích, trong trường hợp phát hiện trộm thì người dân có quyền bắt người trộm tài sản, sau đó thông báo cho cơ quan công an. Mọi hành vi đánh đập, bức hại gây thương tích cho người có hành vị trộm cắp đều bị ngăn cấm.
Nếu gây thương tích cho kẻ trộm cũng bị xử tù, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 60% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù với mức phạt cao nhất là 15 năm.
Cũng theo LS Chánh, nếu gây hậu quả chết người thì bị truy cứu tội “giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), mức hình phạt cao nhất là tử hình. Nếu gây thương tích cho đối tượng từ 11% trở lên thì phạm tội “cố ý gây thương tích” theo điều 104 BLHS, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
"Nếu phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Vì vậy, người dân phải cận trọng, nên kiềm chế cảm xúc của mình đừng chống lại kẻ trộm vì vô tình vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả đau lòng", LS Chánh nhấn mạnh.
Trộm vào nhà, xử lý thế nào cho đúng cách? LS Nguyễn Thị Thiên Thanh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Theo quy định tại Điều 82 BLTTHS 2003: Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Còn khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Vì vậy, trong trường hợp người dân bắt quả tang người đang thực hiện hành vi phạm tội, tước vũ khí, hung khí… rồi dẫn giải đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý là hoàn toàn đúng luật. Nếu gặp tình huống trộm vào nhà, chủ nhà xử lý đúng cách là bắt và giải ngay người có hành vi phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật, LS Thiên Thanh cho biết thêm. |
Theo Ngọc Lê (Thanh Niên Online)