Mặc dù đã bỏ trốn ra nước ngoài nhưng 2 cha con bị can Khuân vẫn ký hàng chục giấy ủy quyền để cấp dưới vay vốn ngân hàng hàng trăm tỉ đồng từ các ngân hàng.
Cáo trạng xác định, đến thời điểm ngày 31-10-2012, tổng nợ vay của Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam đối với 8 NH là 1.752 tỉ đồng (làm tròn số), trong đó nợ gốc gần 1.600 tỉ đồng.
Ngày 30-11-2011, bị can Lâm Ngọc Khuân (SN 1953, nguyên Chủ tịch HĐQT của công ty) lấy lý do cùng vợ sang Mỹ chữa bệnh rồi bỏ trốn. Lúc này, bị can Lâm Ngọc Hân (con gái bị can Khuân, Việt kiều Mỹ) thay cha làm giám đốc công ty. Đến ngày 11-7-2012, bị can Hân cũng xuất cảnh về Mỹ, bỏ lại số nợ khổng lồ.
|
Bị can Khuân cùng vợ, con bỏ trốn sang Mỹ để lại số nợ 1.600 tỉ đồng |
HĐXX thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Hồng Phượng (nguyên phó giám đốc kinh doanh của công ty) xung quanh cáo buộc của VKSND Tối cao rằng, từ tháng 5-2010 đến ngày 1-10-2012, bị can Khuân và Hân đã ký 45 văn bản ủy quyền cho bị cáo Phượng với nội dung: “Phượng được quyền thay mặt giám đốc công ty ký kết các hồ sơ tín dụng, thanh toán, thế chấp tài sản, hợp đồng kinh tế, hợp đồng bảo lãnh thanh toán, các chứng từ mở tờ khai xuất- nhập khẩu… Thậm chí, tại giấy ủy quyền số 10 ngày 22-3-2012 và số 8 ngày 24-3-2012, bị can Khuân (lúc đã bỏ trốn) còn ủy quyền cho bị cáo Phượng thay mặt chủ tịch HĐQT phụ trách điều hành công ty.
Từ những giấy ủy quyền trên, bị cáo Phượng đã tiến hành ký hợp đồng vay vốn tín dụng, ký khế ước nhận nợ để vay hàng trăm tỉ đồng từ các NH.
Trước tòa và trong quá trình điều tra, bị cáo Phượng luôn khẳng định mình ký hợp đồng tín dụng trong phạm vi được ủy quyền và không tư lợi cá nhân. Toàn bộ số tiền vay đều phục vụ cho công ty và theo chỉ đạo của bị can Khuân. Việc bị can Khuân và Hân chiếm đoạt tiền vay khổng lồ thì bản thân bị cáo Phượng không biết. Do đó, bị cáo Phượng cho rằng mình không lừa đảo các NH để chiếm đoạt tài sản như cáo buộc của VKSND Tối cao.
|
Bị cáo Phượng khẳng định mình không lừa đảo |
HĐXX cũng đặt ra câu hỏi đối với bị cáo Phượng rằng trong số 45 giấy ủy quyền của Khuân và Hân thì có giấy được ký lúc 2 cha con này đã bỏ trốn sang Mỹ. Vậy làm sao bị cáo Phượng có được những giấy ủy quyền này. Bị cáo Phượng cho rằng mình không biết nó từ đâu có. Chỉ biết rằng, khi nhận được giấy ủy quyền từ bộ phận khác của công ty chuyển xuống thì Phượng thực hiện.
Do cha con bị can Khuân đã bỏ trốn sang Mỹ và hiện đang bị truy nã quốc tế nên HĐXX cho biết sẽ tiến hành thẩm định những chữ ký này.
Cũng tại phiên tòa, HĐXX cho biết các nguyên đơn dân sự là 5 NH bị cha con bị can Khuân chiếm đoạt gần 785 tỉ đồng, gồm: NH Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt- Sở giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang), NH Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng (VDB Sóc Trăng), NH Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Sóc Trăng (Sacombank Sóc Trăng), NH Thương mại cổ phần An Bình chi nhánh Bạc Liêu (ABbank Bạc Liêu) và NH Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng (VCB Sóc Trăng).
Trong đó, đại diện Sacombank cho biết HĐQT đã kiểm tra quá trình cho vay của các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên chi nhánh Sacombank Sóc Trăng và xác định họ không có hành vi trục lợi cá nhân. Vì thế, ngày 11-5-2015, HĐQT Sacombank đã có văn bản cho rằng dư nợ của Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam đã được Sacombank trích quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết xong. Hơn nữa, Sacombank đã có hướng giải quyết tiếp theo cho đến khi thu hồi hoàn tất khoản nợ trên nên đề nghị cơ quan pháp luật xem xét giải nhẹ trách nhiệm hình sự cho 6 bị cáo, gồm: Nguyễn Thanh Long (SN 1976, nguyên giám đốc Sacombank Sóc Trăng), Lưu Quốc Cường (SN 1980, nguyên phó giám đốc), Võ Lê Việt Thắng (SN 1982, nguyên trưởng phòng cá nhân kiêm doanh nghiệp), Trương Văn Hùng (SN 1981, nguyên chuyên viên khách hàng), Lê Hoàng Phong (SN 1980, nguyên trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh) và Lê Mạnh Hùng (SN 1973, nguyên kiểm soát viên tín dụng).
|
Bị cáo Nguyễn Thế Thắng, nguyên Giám đốc VDB Sóc Trăng |
Tương tự, đại diện của VDB Sóc Trăng, LPB Hậu Giang và VCB Sóc Trăng cũng xác định hậu quả xảy ra trong việc cho Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam vay vốn là rủi ro tín dụng do lãnh đạo của công ty này có hành vi lừa đảo. Các cán bộ NH có vi phạm, nhưng các NH đã áp dụng những biện pháp để xử lý rủi ro nên đề nghị cơ quan pháp luật hỗ trợ thu hồi nợ.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Xem, nguyên Phó Giám đốc VDB Sóc Trăng |
Trong khi đó, Tổng Giám đốc ABbank có văn bản đề nghị xử lý theo qui định pháp luật trước hành vi vi phạm về cho vay đối với 3 bị cáo nguyên lãnh đạo, nhân viên của ABbank Bạc Liêu, gồm: Nguyễn Văn Sơn (SN 1976, nguyên giám đốc), Võ Văn Trương (SN 1983, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng) và Kim Hoàng Minh Tân (SN 1980, nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng).
>> Đại gia trốn nợ đã thế chấp 52 thửa đất và hàng chục ôtô
>> Đại gia thủy sản vỡ nợ 1.700 tỉ, nhóm cán bộ ngân hàng hầu tòa
>> Đại gia thủy sản nâng khống hàng tồn kho 1.900 tỷ đồng
>> Đại gia bay đi Mỹ, 8 ngân hàng ôm hận 1.600 tỷ
Theo Công Tuấn (Nld.com.vn)