Pháp luật cho phép cơ quan điều tra mời tướng Vĩnh lên làm việc
Trao đổi với PV ngày 16/3, một lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ cho hay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ án liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Về việc Cơ quan điều tra mời Trung tướng Phan Văn Vĩnh lên làm việc, theo vị này là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan vụ án.
"Việc cơ quan điều tra tiến hành gặp gỡ, điều tra xác minh đối với cá nhân, tổ chức có liên quan như trường hợp của tướng Vĩnh là hoàn toàn bình thường và được pháp luật tố tụng hình sự cho phép", vị này nói.
Theo vị này, hiện Công tỉnh Phú Thọ đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc và trong quá trình xác minh, không riêng tướng Vĩnh mà dù bất cứ ai, nếu được xác định có liên quan thì đều sẽ phải được mời làm việc.
Liên quan đến việc mời tướng Vĩnh làm việc, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, đến nay, sau khi khởi tố vụ án hình sự "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền", Công an tỉnh Phú Thọ sẽ phải tuân thủ quy định tại Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện điều tra, nếu cơ quan điều tra thấy ở hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các tổ chức, cá nhân khác thì sẽ triệu tập hoặc mời làm việc.
Kết quả điều tra, làm việc, nếu xác định người bị triệu tập, mời lên làm việc có dấu hiệu phạm tội, có đủ căn cứ để khởi tố hình sự thì có thể khởi tố bị can.
Ngược lại không đủ căn cứ khởi tố, không chứng minh được họ có dấu hiệu phạm tội thì không khởi tố nhưng có thể xác định họ là người làm chứng nếu như biết thông tin vụ việc hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
"Đối với vụ án ở Phú Thọ, cơ quan điều tra Công an tỉnh cho rằng, có đủ căn cứ để khởi tố và đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với cựu Thiếu tướng Nguyễn Văn Hóa sau khi ông này bị tước danh hiệu CAND.
Còn với Trung tướng Phan Văn Vĩnh thì cơ quan điều tra mới mời lên làm việc chứ không phải triệu tập hay thực hiện hình thức tố tụng khác.
Với quy định của pháp luật hiện nay thì Cơ quan điều tra Công an Phú Thọ đang có cơ sở cho rằng, tướng Phan Văn Vĩnh có nắm bắt thông tin, biết về vụ án hoặc có trách nhiệm liên quan đến vụ án như trách nhiệm người đứng đầu hay có liên quan đến các thông tin, tình tiết vụ án....
Căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ có quyền mời tướng Phan Văn Vĩnh hoặc tất cả người khác có liên quan đến để làm việc", luật sư Cường nói.
Không có sự miễn trừ
Luật sư Cường khẳng định, trong Hiến pháp, Bộ Luật Tố tụng Hình sự hay văn bản pháp luật khác không hề có quy định nào hạn chế việc Cơ quan điều tra mời các cán bộ công an, cán bộ cao cấp đến làm việc nếu được xác định có liên quan đến vụ án.
"Trong luật cũng không có bất cứ quy định nào miễn trừ cho các cán bộ công an hay cán bộ cao cấp, kể cả ĐBQH không phải đến làm việc khi cơ quan điều tra mời vì thấy có liên quan đến vụ việc, vụ án nào đó, nhất là vụ án hình sự", luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Ngô Hương Giang (Hà Nội) chỉ rõ, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, tất cả các cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật.
Theo đó bất cứ người nào phạm tội, dù họ là ai, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khi thực hiện hành vi phạm tội thì đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Việc tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đều phải tuân theo trình tự, thủ tục do Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định, không có ngoại lệ về lý do dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội của người thực hiện tội phạm.
"Ở đây, rõ ràng, chắc chắn phải có liên quan đến vấn đề gì đó ở vụ án thì cơ quan An ninh điều tra Công an Phú Thọ mới mời ông Vĩnh đến và khi cơ quan điều tra mới tiến hành mời tướng Vĩnh đến thì thông thường, nếu tôn trọng cơ quan chức năng, người bị mời sẽ đến.
Còn trong trường hợp nào đó, người này không đến hoặc không đến được thì cơ quan điều tra có thể đến tận nơi ông Vĩnh sinh sống, làm việc để xác minh", luật sư Giang nêu.
Luật sư Giang cho hay, vấn đề làm việc với Trung tướng Phan Văn Vĩnh ra sao, cụ thể như thế nào không được Công an Phú Thọ tiết lộ nhưng kết quả làm việc sẽ là căn cứ để cơ quan điều tra tiến hành các biện pháp tố tụng tiếp theo.
Trong chiều 16/3, phóng viên đã nhiều lần liên hệ vào số điện thoại di động của tướng Phan Văn Vĩnh nhưng đều trong tình trạng tắt máy.
Trước đó, trả lời PV vào chiều ngày 14/3, tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, đang có việc mong thông cảm.
Đồng thời, ông Vĩnh đề nghị phóng viên liên hệ với lãnh đạo Bộ Công an để hỏi về các vấn đề liên quan đến thông tin trên mạng xôn xao về ông.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)