Tại phiên tòa, VKS đã đề nghị truy tố Trang "Phố núi" do có liên quan đến một số hành vi phạm tội của Phạm Công Danh (trước khi vụ án này bị khởi tố, Trang "Phố núi" đã đi nước ngoài - PV).
VKS cũng yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Việt Hà (Giám đốc Quỹ Lộc Việt). Tại phiên tòa, ông Hà không có mặt vì lý do sức khỏe, nhưng căn cứ vào chứng cứ cũng như lời khai một số bị cáo, VKS cho rằng ông Hà liên quan trực tiếp đến việc giúp Phạm Công Danh rút 903 tỷ đồng từ VNCB thông qua Quỹ Lộc Việt.
Các bị cáo nghe luận tội. |
Còn về bà Trần Ngọc Bích, đại diện VKS cho rằng không chứng minh được việc hợp tác bàn bạc giữa bà Bích và Phạm Công Danh. Suốt phiên tòa bà Bích luôn cho rằng không quen biết Phạm Công Danh, chỉ làm việc với Trang "Phố núi". Do đó chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự bà Bích với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh.
Riêng về số tiền 5.190 tỷ đồng đã bị chuyển khỏi tài khoản của Trần Ngọc Bích tại VNCB (không có chữ ký của chủ tài khoản), đại diện VKS cho rằng số tiền này phải hoàn trả lại. VNCB cần quản lý 124 sổ tài khoản của nhóm Trần Ngọc Bích để thu hồi số tiền này.
Trước đó, đại diện VKS cho rằng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9000 tỷ đồng là vụ án kinh tế lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ trong thời gian ngắn, thực trạng tài chính của VNCB từ chỗ lỗ hơn 2.800 tỷ đồng thì đến cuối năm 2012 đã tăng mạnh và đến thời điểm khởi tố vụ án thì vốn chủ sở hữu âm hơn 18.000 tỷ đồng. Dưới sự điều hành của Phạm Công Danh và các thuộc cấp, VNCB không những không tốt hơn mà còn tồi tệ hơn buộc Ngân hàng Nhà nước phải đưa vào diện giám sát đặc biệt. Sau đó tình hình thanh khoản ngân hàng không được cải thiện mà vốn sở hữu âm, lỗ lũy kế ngày càng tăng khiến Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng/cổ phần.
Do đó, theo đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa, việc đưa ra xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm là kịp thời, việc Phạm Công Danh cùng các bị cáo trong vụ án này là đúng người, đúng tội, nhất là đối với những người nguyên là cán bộ ngân hàng VNCB như Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương, Lê Công Thảo… Riêng đối với các bị cáo là giám đốc đứng tên các công ty (do Phạm Công Danh lập ra), tại tòa các bị cáo khai nhận hầu hết là nhân viên bảo vệ, lái xe của Thiên Thanh, tất cả đều thành khẩn khai báo nên VKS cho rằng cần xem xét các hành vi phạm tội các bị cáo khi định tội.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần luận tội của VKS.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng. |