Điểm đáng chú ý trong vụ án này là từ chủ trương và sự chỉ đạo trái với quy định của Hà Văn Thắm, lúc đó là Chủ tịch HĐQT OceanBank, về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng đã khiến hàng trăm cán bộ của OceanBank vi phạm theo.
Nhiều ngân hàng vượt trần lãi suất vì thanh khoản
Tại phiên xét xử đại án OceanBank ngày 3.3, nhiều vấn đề về thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được hé mở, hành động tranh giành khách hàng gửi tiền của các ngân hàng diễn ra hàng ngày… cho thấy sự bất ổn của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đó.
OceanBank vào thời điểm đó, nếu không huy động vượt trần lãi suất thì có nguy cơ đổ vỡ, phá sản. Trong phần trả lời Hội đồng xét xử của bị cáo Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Khối nguồn vốn, cho biết vào thời điểm đó thanh khoản khó khăn, OceanBank buộc phải theo chân các ngân hàng khác chi lãi ngoài.
Theo bị cáo Nguyễn Hoài Nam, OceanBank thời điểm đó không phải là ngân hàng tiên phong chi lãi ngoài. “Rất nhiều người như bị cáo phải nhìn xe tiền của ngân hàng khác lấy tiền của khách hàng và điều này diễn ra khoảng thời gian 6-9 tháng, cho đến quý II/2012”.
Hay như trong phần trả lời Hội đồng xét xử của bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, giám đốc khối bán lẻ OceanBank cũng cho thấy bị cáo cũng ý thực được việc OceanBank chi lãi ngoài là sai vi phạm Thông tư 02 của NHNN.
“Tôi nhận thức được nhưng vẫn làm vì bối cảnh lúc đó rất khó khăn. Bản thân tôi sát cánh với nhân viên trong chi nhánh và đơn vị của Hội sở, khi ấy tỷ lệ lạm phát gần 19%, khách hàng cứ tuân thủ 14% thì rất khó. Không chỉ Oceanbank mà ngân hàng khác cũng vậy”, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba trần tình.
Thực tế, trong bối cảnh năm 2011, khi lạm phát cao lên tới 18 - 19% thì việc huy động đúng theo trần lãi suất là một việc làm rất khó.
Ảnh: Vinh Hải |
Nhiều ngân hàng cũng huy động vượt trần và không ít trường hợp đã bị NHNN phát hiện và xử phạt bằng các biện pháp không cho tăng trưởng tín dụng, không được mở rộng thêm mạng lưới, chi nhánh.
Báo cáo Kiểm toán nhà nước năm 2014 cũng từng cho biết nhưng ông lớn ngân hàng TMCP Nhà nước cũng từng vượt trần lãi suất trong năm 2012.
Trần lãi suất làm méo mó thị trường tài chính?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ các vụ việc sai phạm trong hoạt động ngân hàng cho thấy rất nhiều ngân hàng vi phạm trần lãi suất vì khó khăn thanh khoản. “Hiện tượng này làm méo mó thị trường, đẩy rất nhiều người vào việc vi phạm pháp luật. Trần lãi suất đã đẩy một số ngân hàng vào tình trạng “đặng chẳng đừng”, bởi nếu không vượt trần thì ngân hàng rơi vào tình trạng mất thanh khoản và dẫn đến phá sản, đổ vỡ hệ thống”, ông Hiếu bình luận.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng trần lãi suất làm méo mó thị trường, không theo một nguyên tắc nào cả. Trần lãi suất đã làm cho doanh nghiệp, cá nhân, ngân hàng xoá tan tành hết kỷ cương, nguyên lý.
“Từ xưa tới giờ trần lãi suất không có tác dụng gì, chưa nói đến tác dụng ngược của nó. Tác dụng khủng khiếp của trần lãi suất là đè nén, giết nền kinh tế, méo mó thị trường, làm cho người ta dẫn đến gian lận, từ người dân”, ông Đức nhận định.
Ảnh: Vinh Hải |
Ông Đức phân tích, ngay chính trong đại án OceanBank, có đến 227 cán bộ khác chi trả từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng (phạm tội dành dành) thì được tha bổng vì quá nhiều người sai phạm không xử lý hết được.
“Một chính sách (chính sách trần lãi suất) có quá nhiều người vi phạm mà cơ quan pháp luật không thể xét xử hết phải tha bổng thì phải xem lại”, ông Đức nên ý kiến.
Ông Đức cho rằng, lãi suất cần phải để thị trường và ngân hàng điều chỉnh, có thể chỗ này huy động cao hơn, chỗ kia huy động thấp hơn hoặc thời điểm này thì huy động cao, thời điểm khác thì huy động thấp, phụ thuộc vào từng thời điểm.
“Khi lãi suất được tự do thì các ngân hàng sẽ điều tiết, lãi suất được điều chỉnh theo thị trường sẽ cực kỳ chuẩn xác. Tuy nhiên, việc đặt trần lãi suất theo kiểu o ép như thế này thì dẫn đến chi phí ngầm là khó tránh khỏi. Đến bây giờ hệ thống ngân hàng vẫn chưa xử lý xong chi phí ngoài của việc huy động vượt trần lãi suất”, ông Đức bình luận.
Nếu bỏ trần lãi suất, lãi suất huy động sẽ tăng hay giảm, trong bối cảnh nợ xấu còn cao, nhiều ngân hàng yếu kém, bất ổn, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định bỏ trần thì lãi suất sẽ tăng lên. “Nhưng chỉ bỏ trần lãi suất thôi chưa đủ, cần phải có công cụ khác đi kèm, đó là cho phép ngân hàng phá sản. Chỉ có như vậy thì lãi suất mới ở mức hợp lý. Còn nếu tháo van trần lãi suất mà vẫn bảo kê các ngân hàng không cho phá sản thì các ngân hàng ung dung hốt bạc, đẩy lãi suất tăng cao chót vót”, ông Hiếu phân tích.
Theo Trần Giang (Dân Việt)