Đại án nghìn tỷ: Các bị cáo "đua" nhau chối tội

25/12/2015 09:03:23

Trước HĐXX, các bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của ngân hàng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau đồng thời ‘đua’ nhau biện minh, chối tội.

Trước HĐXX, các bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của ngân hàng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau đồng thời ‘đua’ nhau biện minh, chối tội.

Trong phiên xét xử ngày thứ 4 đại án khiến Agribank thất thoát gần 2.500 tỷ đồng, Phạm Thanh Tân (60 tuổi, cựu Tổng giám đốc (TGĐ) Agribank) khai không phát hiện việc làm trái pháp luật của Phạm Thị Thị Bích Lương (46 tuổi, cựu giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội).

"Nếu báo cáo tôi cũng không biết"

Bị cáo Tân cho rằng, không có văn bản nào quy định giám đốc chi nhánh báo cáo Tổng giám đốc Agribank việc khách hàng đã hết hạn mức cho vay. "Chúng tôi có trên nửa triệu khách hàng, nếu báo cáo tôi cũng không biết", cựu TGĐ Agribank nói.

Việc nâng quyền phán quyết do Tân trình lên, nếu hội đồng quản trị (HĐQT) không đồng ý thì ông cũng không làm gì được.

Bị cáo Phạm Thanh Tân tại tòa. Ảnh: V.T.


Đối với cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát với 2 nghị quyết của HĐQT, Tân cho rằng cáo buộc không chính xác. Tuy nhiên, Tân thừa nhận việc cho Agribank chi nhánh Nam Hà Nội vay 50 triệu USD thuộc thẩm quyền cho vay ngoại tệ ngoài kế hoạch của mình.

Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa, bị cáo Kiều Trọng Tuyến (cựu Phó TGĐ phụ trách Agribank) cho rằng hậu quả xảy ra tại chi nhánh Agribank Nam Hà Nội không liên quan đến quá trình kiểm tra của mình. Bởi sau khi Tân chuyển công tác, Tuyến không được cựu TGĐ bàn giao lại công việc nên không thể kiểm tra, chỉ đạo, giám sát được.

Đối với số tiền hưởng lợi 220 triệu đồng, Tuyến khai không liên qua đến vụ án mà là khoản quà Tết nhiều năm của bị cáo.

Theo cáo buộc, bị cáo Phan Quý Dương (37 tuổi, cựu chuyên viên Ban tín dụng doanh nghiệp Agribank Việt Nam) là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc kiểm tra hồ sơ, lập báo cáo để trình lên TGĐ, HĐQT Agribank Việt Nam đề xuất nâng mức phán quyết tín dụng của giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam để thực hiện dự án Luxfashion. Thế nhưng Dương đã không làm hết trách nhiệm được giao khiến Agribank thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.
 
Dương cho rằng mình chỉ có trách nhiệm thẩm định qua hồ sơ, việc thẩm định trực tiếp chỉ xảy ra trong trường hợp xin vượt quyền phán quyết.

Còn bị cáo Hoàng Thị Thu Hiền (42 tuổi, cựu Trưởng phòng tín dụng Agribank Nam Hà Nội) thì cho rằng việc cáo trạng truy tố bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa chính xác.

“Thời điểm bị cáo làm đã đúng chức trách, nhiệm vụ. Để xảy ra vụ án như ngày hôm nay, bị cáo chỉ có một phần lỗi”, Hiền khai.

Nữ bị cáo khẳng định bản thân đã thực hiện đẩy đủ chức năng, nhiệm vụ trong việc ký báo cáo thẩm định đề nghị giám đốc chi nhánh phê duyệt cho vay ngắn hạn theo thông báo số 703 tháng 6/2010 của Chủ tịch HĐQT Agribank để giải ngân số tiền hơn 5,2 triệu Euro. “Nguyên nhân của sự việc không phải do bị cáo mà do những người tiến hành giải ngân đã cố tình vượt thẩm quyền", Hiền nói.

Hiền cũng khẳng định mình không có nhiệm liên đới chịu một phần hậu quả thiệt hại được xác định ở giai đoạn cho Công ty Enzo Việt vay hơn 71 tỷ đồng vì thời điểm Hiền chịu trách nhiệm về thẩm định, dự án đã không có thiệt hại.

Cựu cán bộ, công chức hải quan khẳng định mình làm đúng

Chiều 24/12, HĐXX sơ thẩm TAND Hà Nội tiếp tục thẩm vấn các bị cáo nguyên là cựu cán bộ, công chức Chi cục Hải quan Hà Tây, bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (37 tuổi, cựu công chức Chi cục Hải quan Hà Tây) khẳng định mình làm đúng quy trình của công chức bước 1, cáo trạng truy tố bị cáo là không đúng. Bởi trong quy trình thủ tục hải quan, Hằng khai chưa bao giờ được giữ vị trí công chức bước 3.

“Công chức bước 3 thực hiện đúng quy trình và luật hải quan thì không xảy ra hậu quả không thu được hơn 6,4 tỷ tiền thuế”, Hằng khẳng định.

Cũng trong phiên xử, một số luật sư đặt câu hỏi với đại diện Agribank liên quan đến việc nâng quyền phán quyết. Theo đó, việc nâng quyền phán quyết được quy định tại 2 văn bản duy nhất là 915 và 528. Giá trị nâng quyền phán quyết của Hội đồng thành viên là bắt buộc phải thi hành đối với mọi thành viên. Tuy nhiên đây chỉ là văn bản mang tính định hướng, tùy từng trường hợp sẽ có văn bản hướng dẫn.

Kế đến là phần trả lời của đại diện Tổng cục Hải quan về quy trình, các bước thông quan hàng hóa, các thủ tục cần thiết đối với doanh nghiệp đang nợ thuế…

Ngày mai 25/12, HĐXX tiếp tục làm việc.
 
>> Đại án nghìn tỷ tại Agribank: Có 80 triệu USD đang ngoài vòng kiểm soát? 
>> Agribank thiệt hại hơn 3.000 tỷ trong đại án tiêu cực

Theo Vân Thanh (Zing.vn)

Nổi bật