"Tôi khẳng định bà Bích chỉ cho Phạm Thị Trang mượn tiền chứ không cho ông Danh mượn tiền, không có việc bà Bích chuyển tiền cho ông Danh để tất toán các khoản nợ ngày 21-6", người đại diện cho bà Bích khẳng định.
Vẫn liên quan đến việc 5.190 tỷ đồng được chuyển ra khỏi tài khoản, bà Bích có biết hay không, bị cáo Hoàng Đình Quyết tái khẳng định bà Bích biết sự việc này.
Không đồng tình, trong phần xét hỏi của mình, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Ngọc Bích đặt câu hỏi "Vậy trong quá trình giao dịch, bà Bích và các cá nhân có đăng ký dịch vụ SMS banking để nhận thông báo biến động tài khoản và VNCB có thu phí dịch vụ không?".
“Nhất cử nhất động, một đồng phát sinh trong tài khoản bà Bích đều biết và được cập nhật thông qua ông Vũ Anh Tuấn. Nhóm bà Bích tiết kiệm 7.000 đồng/tháng nên không đăng ký”, Hoàng Đình Quyết nói.
Luật sư đặt tiếp câu hỏi: “Bị cáo khai bà Bích nợ chứng từ không chịu trả vậy bị cáo có báo cáo lãnh đạo không?” - “Tôi có báo anh Phan Thành Mai, tôi và lãnh đạo đã có buổi làm việc tại Tân Hiệp Phát. Tại đây, chính ông Trần Quí Thanh đã phát biểu rằng những giao dịch nào đã xong thì phải hoàn tất chứng từ, không hoàn tất chứng từ là vi phạm pháp luật”, cựu Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn đáp.
Các bị cáo rời tòa sau phiên xử. |
Cũng trong phần xét hỏi, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đề nghị HĐXX cho triệu tập tất cả những giao dịch viên đã thực hiện các lệnh chuyển tổng cộng 5.190 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích.
Trước đề nghị trên, Hoàng Đình Quyết khai rất nhiều giao dịch viên thực hiện việc này vì toàn bộ số tiền này buộc phải chuyển trong một ngày.
Bị cáo không nhớ cụ thể những ai đã thực hiện lệnh chuyển tiền nhưng họ không tự chuyển mà do bà Bích ủy quyền cho ông Vũ Anh Tuấn yêu cầu ngân hàng chuyển tiền nên bị cáo mới cho thực hiện.
Trên chứng từ cũng không có chứng từ nào có chữ ký của bị cáo nhưng do là người đứng đầu chi nhánh nên bị cáo mới phải chịu trách nhiệm. Bị cáo Quyết đề nghị HĐXX xem xét bản chất vụ việc để giải oan cho bị cáo.
Ngoài tình tiết trên, việc có hay không chuyện Phạm Công Danh đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để trả lãi ngoài cũng được luật sư Uyên thẩm vấn. Nữ luật sư hỏi bị cáo Phan Thành Mai có chứng từ gì chứng minh việc chi lãi ngoài, bị cáo Mai cho biết đây là một quy định bất thành văn nhằm giữ khách hàng, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước nên không có bằng chứng gì chứng minh.
Luật sư Uyên cũng hỏi bị cáo Phạm Công Danh, theo bị cáo thì số tiền cụ thể bị cáo đã chi lãi ngoài là bao nhiêu? Ông Danh không trả lời câu hỏi này vì cho rằng nó nằm ngoài phạm vi của phiên tòa phúc thẩm.
Sau ông Danh, bà Nguyễn Thị Thu Hương - kế toán Tập đoàn Thiên Thanh được luật sư Uyên thẩm vấn. Trước tòa, bà Hương giữ nguyên lời khai trước đây khi khai rằng theo số liệu ghi chép người này nắm được, Phạm Công Danh đã phải trả cho nhóm bà Bích hơn 2.600 tỷ đồng.
Bà Hương tỏ ra bức xúc khi bị luật sư phía bà Bích truy về nguồn gốc các khoản tiền bởi theo bà quá trình giao nhận tiền diễn ra nhiều lần nên không thể trả lời chung chung được.
Sau đó, bà Hương đọc lại nội dung những chứng từ ghi chép các khoản chi hàng chục tỷ đồng. Bà Hương khẳng định chứng cứ này thể hiện việc trả tiền lãi, giữa ông Thanh và Danh có quan hệ vay mượn và 3.100 tỉ đồng giao dịch này không liên quan đến VNCB.
Cũng trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Trung, bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB cho biết tình hình Ngân hàng Đại Tín khi ông Danh tiếp quản đã rơi vào tình trạng rất xấu, bị đặt dưới quyền kiểm soát đặc biệt, nợ xấu chiếm khoảng 95%. Tổng số tiền cho vay, số tiền nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng chủ yếu nằm trong trong nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang. Trước những nhu cầu thanh khoản thì buộc VNCB phải tìm cách để thu hút khách hàng. Do vậy bị cáo Danh, bị cáo và những người khác phải tìm cách và có những chính sách thu hút khách hàng, đích thân bị cáo Danh phải đi đàm phán với bà Bích và những người liên quan. Ngân hàng chỉ trả tiền lãi theo quy định, còn tiền lãi ngoài 3-4% thì bị cáo Danh phải chi trả trái quy định. |