Sau gần 2 tháng xét xử, hôm 9/9, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên án vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Theo đó, Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc công ty Thiên Thanh – người được xác định đóng vai trò “chủ mưu” đã nhận mức án 30 năm tù, buộc phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng gốc và do thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB.
Các đồng phạm trong vụ án cũng được tuyên phạt với các mức án đích đáng. “Đại án” Phạm Công Danh tạm thời “khép” lại song rất nhiều vụ việc phức tạp khác được mở ra, trong đó có vụ án liên quan đến bà Hứa Thị Phấn.
Cụ thể, Tòa đã quyết định khởi tố vụ án nhóm bà Hứa Thị Phấn (nhóm cổ đông Phú Mỹ) vì các hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Sáu Phấn là ai và có trách nhiệm gì trong vụ Phạm Công Danh?
Bà Hứa Thị Phấn - người được nhiều người biết đến với cái tên Sáu Phấn, là đại diện của nhóm cổ đông Phú Mỹ, sở hữu gần 84,92% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank – sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng VNCB dưới thời Phạm Công Danh).
Trong quá trình điều hành TrustBank, nhóm cổ đông này đã khiến ngân hàng rơi vào tình trạng âm 2.854 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra TrustBank và cho phép nhóm cổ đông này chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới là Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm đại diện.
Như vậy, có thể thấy dưới thời của bà Phấn, TrustBank đã bị thua lỗ số tiền gấp đôi vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng của chính ngân hàng này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc TrustBank bị đẩy vào trạng thái khủng hoảng, suy thoái là có “dấu tay” của bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm.
“Cú bắt tay” với Sáu Phấn – nguồn cơn cú trượt dài của Phạm Công Danh?
Không cần đợi tới lúc được cơ quan có thẩm quyền cho phép, ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và Thiên Thanh đã thống nhất, ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng TrustBank.
Theo nội dung ký kết, nhóm bà Phấn chuyển giao cho ông Phạm Công Danh gồm: 85% cổ phần tại TrustBank và tài sản đảm bảo đất ở quận 2 (9ha) và Nhà bè (24ha) và Cổ phiếu Công ty Đại Việt – giá trị tại thời điểm đó là 85 tỷ; Cổ phần 27 tỷ tại công ty Hùng Vương. Tổng số tiền chuyển giao là 4.619 tỷ đồng.
Sau đó, Phạm Công Danh đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn 3.600 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng. Tới ngày xảy ra vụ án, Danh còn thiếu 1.037 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tất cả những tài sản mà TrustBank để lại không thể lấy ra sử dụng do đang bị kiểm soát và không thể đem ra bán được như Dang kỳ vọng. Để trả nợ cho nhóm bà Phấn (ngoài ra còn có nhóm Trần Ngọc Bích, Ngân hàng BIDV, các chi tiêu cá nhân), Danh đã chỉ đạo cấp dưới “rút ruột” VNCB hàng ngàn tỷ đồng.
Danh cho rằng mình đã bị “lừa” vì trong các nội dung ký kết không có điều khoản nào Danh phải trả hết tiền thì mới được chuyển giao ngân hàng.
Ngoài việc làm rõ những sai phạm trong vụ chuyển nhượng TrustBank cho Phạm Công Danh, Hội đồng xét xử xác định, bà Phấn và những người liên quan trong nhóm Phú Mỹ có những dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý Trustbank, gây âm vốn điều lệ hơn 2.854 tỷ, lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng.
Trước đóm ngày 16/8, Viện kiểm sát cũng đã đề nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn và tiến hành điều tra, làm rõ về các vấn đề bà này cùng với nhóm Phú Mỹ đã gây thất thoát tài sản của TrustBank; đầu tư trái phiếu, lập hồ sơ nhưng không cho vay, mua bán bất động sản lòng vòng không nộp thuế; lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Theo M.N (Bizlive.vn)