Đại án 9.000 tỷ: Bị cáo khóc xin giảm nhẹ hình phạt

23/08/2016 16:38:00

Trong phiên tòa sảng 23/8, tiếp tục phần tự bào chữa, có bị cáo đã khóc khi nói về hoàn cảnh gia đình mong tòa xem xét khi kết tội.

Trong phiên tòa sảng 23/8, tiếp tục phần tự bào chữa, có bị cáo đã khóc khi nói về hoàn cảnh gia đình mong tòa xem xét khi kết tội.
dai an 9.000 ty: bi cao khoc xin giam nhe hinh phat hinh 0
Các bị cáo trong vụ đại án 9.000 tỷ đồng được dẫn giải đến tòa sáng 23/8

Bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Giám đốc Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Lam Giang tự bào chữa, cho rằng, cáo buộc gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng đối với bị cáo là quá lớn.

Cáo buộc bị cáo cho vay nhưng không thẩm định hồ sơ vay là không đúng. Quyết khẳng định, bị cáo kiểm soát việc vay vốn, vốn đối ứng, các tài sản đảm bảo, cũng như phương án trả nợ của khách hàng đối với từng hồ sơ vay đúng quy định, quy trình. Tuy nhiên, việc dòng tiền di chuyển thế nào, bị cáo không biết.

Quyết khẳng định, các hồ sơ vay được định giá tài sản đảm bảo theo quy định, giá trị vốn vay bằng 40-45% giá trị tài sản đảm bảo nên không thể nói là lập hồ sơ khống được. Bị cáo Hoàng Đình Quyết kiến nghị thu hồi 5.490 tỷ đồng Nhóm bà Trần Ngọc Bích vay Ngân hàng Xây dựng, gồm 3 khoản vay 3.100 tỷ đồng, 2.090 tỷ đồng và 300 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Tự bào chữa cho mình, Quyết cho rằng cáo buộc của toà quy bị cáo thực hiện chỉ đạo của Phạm Công Danh trong việc cho vay 5.190 tỷ đồng là không đúng, Quyết chỉ thực hiện nghiệp vụ chuyên môn theo chức trách được giao. Quyết chuyển 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích là được sự đồng thuận của bà Bích, chứ không phải như cáo buộc của cáo trạng là không được sự đồng ý của chủ tài khoản.

Quyết cho rằng, bà Bích không dám đối diện với sự thật. Bà Bích lợi dụng lòng tốt của Quyết bằng việc cho nợ chứng từ khi chuyển khoản tiền 5.190 tỷ đồng, nhưng người thiệt hại là ông Phạm Công Danh chứ không phải Ngân hàng Xây dựng. Quyết nói, nếu được tố cáo thì Quyết tố cáo bà Bích đã gian dối trong việc này.

dai an 9.000 ty: bi cao khoc xin giam nhe hinh phat hinh 1
Bị cáo Phạm Công Danh đến tòa sáng 23/8

Bị cáo Hoàng Đình Quyết kiến nghị hội đồng xét xử làm rõ bản chất các hành vi trong vụ án, để phiên toà mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. Mong hội đồng xét xử công tâm để bị cáo có cơ hội đóng góp cho xã hội.

Quyết nói, tổng thiệt hại của vụ án là khoảng 18.000 tỷ đồng (giai đoạn 1 đưa ra xét xử thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng), trong đó riêng bị cáo Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm trên 5.000 tỷ đồng. Tổng số thiệt hại còn lại trên 13.000 tỷ đồng, bị cáo Quyết đã đưa ra số liệu các khoản tiền có trong cáo trạng nếu được thu hồi có tổng số trên 14.000 tỷ đồng đủ để khắc phục hậu quả vụ án… Bị cáo Quyết nức nở khóc khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình có cha là thương binh, gia đình rất đau khổ khi Quyết bị kết tội…  

Bị cáo Phan Minh Tùng, phụ trách Tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh trong phần tự bào chữa đã nhiều lần kêu oan và bị sốc vì cho rằng mình chỉ là người làm công, không tham gia họp hành gì cả nhưng lại bị liên quan đến vụ án, bị cáo buộc 2 tội danh. Bị cáo Phan Minh Tùng xin hội đồng xét xử xem xét, minh oan.

Bị cáo Bạch Quốc Hào, nguyên Phó Giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Xây dựng không có luật sư bào chữa, nhưng với sự thành thật của mình, Hào mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ.

Cáo trạng quy kết bị cáo Hào lập hồ sơ khống trong việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành. Trong phần tự bào chữa, bị cáo Hào đưa ra các chứng cứ là việc thuê trụ sở là có thật chứ không phải lập hồ sơ khống để rút tiền. Bị cáo Bạch Quốc Hào cũng cho rằng mình không vi phạm Quyết định 12 của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm Luật Kế toán như cáo buộc của cáo trạng. Hào tự nhận, trách nhiệm của bị cáo đến đâu sẽ chịu tội đến đó.

Với mức án Viện Kiểm sát đề nghị, bị cáo Hào cho rằng là quá cao, nên đề nghị gộp 2 tội danh bị quy kết thành tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hào cũng xin giảm tội cho 2 nhân viên của công ty cũng là bị cáo trong vụ án này.

Các bị cáo Trần Văn Bình, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung, trước đó là lái xe Tập đoàn Thiên Thanh; Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Tổng giám đốc Công ty Hương Việt, trước đó là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh tự bào chữa đều kêu oan vì mình chỉ là các nhân viên làm công ăn lương, được mời làm giám đốc và bảo ký các chứng từ vay vốn… Các bị cáo là các giám đốc “hờ” này đều đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội.

Trong sáng nay, các bị cáo Nguyễn Quốc Viễn, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng Xây dựng; Phạm Việt Thép, nguyên Giám đốc Công ty An Phát được toà cho phép tự bào chữa nhưng không bào chữa bổ sung gì./.
 

Theo Huy Sơn (VOV.vn)

Nổi bật