Liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn, sinh năm 1955, trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an đã nghỉ hưu về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng bị khởi tố về hành vi này có ông với Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an (đã bị tước danh hiệu Công an Nhân dân trước khi bị khởi tố), sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Phân tích về đặc điểm của tội danh nêu trên, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết:
Về khách thể: Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về những bí mật quốc gia. Khách thể trực tiếp và đối tượng tác động của tội phạm này là “sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố”.
Việc xác định những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác là bí mật Nhà nước, cần phải căn cứ vào danh mục bí mật Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mỗi ngành, mỗi mỗi cấp, từng cơ quan, tổ chức đều có những tin tức bí mật khác nhau. Ví dụ: Danh mục bí mật Nhà nước ngành Thuỷ lợi khác danh mục Nhà nước ngành Thuỷ sản; Danh mục bí mật Nhà nước của Toà án nhân dân tối cao khác danh mục bí mật Nhà nước của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Căn cứ vào tính chất quan trọng, các tin tức thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được chia ra làm ba mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Việc xác định tin tức nào là Tuyệt mật, Tối mật và Mật phải căn cứ vào quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về độ mật của các tin tức của mỗi ngành, mỗi cấp.
Luật sư Thanh phân tích tiếp, chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội này cũng thường là những người có trách nhiệm giữ bí mật Nhà nước, những người này nếu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thì thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Về mặt khách quan, hành vi làm lộ bí mật Nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước…
Làm lộ bí mật bằng lời nói là trường hợp nói hoặc kể cho người khác nghe những tin tức thuộc bí mật Nhà nước mà mình biết. Làm lộ bí mật bằng chữ viết là trường hợp viết ra những tin tức thuộc bí mật Nhà nước mà mình biết để người khác đọc.
Cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp là trường hợp, người có trách nhiệm quản lý, cất giữ, bảo quản các tin tức bí mật Nhà nước, đã để người khác xem, nghe, đọc, sao chụp hoặc để người khác chiếm đoạt các tin tức đó. Để cho người khác nghe được tin tức bí mật Nhà nước trong trường hợp này là để người khác nghe băng ghi âm chứ không phải kể cho người khác nghe.
Nếu để cho người khác chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước chỉ có thể là trường hợp người phạm tội đồng phạm với người chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, vì nếu do thiếu trách nhiệm hay do sơ xuất mà để người khác chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước thì không phải là cố ý mà là vô ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Mặt chủ quan, tên của tội danh đã phản ảnh dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm này. Người phạm tội chỉ có thể thực hiện hành vi của mình do cố ý. Hình phạt của tội danh này thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 15 năm tù.
Theo Ngọc Lương (Dân Việt)