Cựu tử tù Hàn Đức Long và những chuyện lần đầu tiên mới kể

14/02/2017 14:22:00

Trong buổi ngồi trò chuyện cùng Dân Việt dịp đầu Xuân Đinh Dậu - 2017, ông Hàn Đức Long (Bắc Giang - người từng 4 lần bị tuyên án tử hình) đã kể những câu chuyện nghe rất ly kỳ...

Trong buổi ngồi trò chuyện cùng Dân Việt dịp đầu Xuân Đinh Dậu - 2017, ông Hàn Đức Long (Bắc Giang - người từng 4 lần bị tuyên án tử hình) đã kể những câu chuyện nghe rất ly kỳ...

Nhấp thêm ngụm chè nóng, ông Hàn Đức Long bảo ông đã đón tổng cộng 11 cái Tết Nguyên đán trong tù, trong đó có đến 7 cái Tết đón trong phòng biệt giam dành cho tử tù.

"Năm nay là lần đầu tiên sau 11 năm tôi mới được đón Tết cùng gia đình. Từ hôm được trả tự do trở về nhà (ngày 20.12.2016) đến nay, dường như ngày nào cũng được đón tiếp khách. Họ hàng, làng xóm, bạn nghe tin đã đến thăm hỏi, chung vui" - ông Long cho biết.

Đang câu chuyện về những ngày vui đón Tết, ông Long bỗng chùng xuống. "Vợ chồng tôi tính qua tháng Giêng sẽ phải đi vay mượn khoảng 10-15 triệu đồng ra Hà Nội khám tổng thể để điều trị bệnh tật. Hơn chục năm tù oan đã bào mòn sức khỏe của tôi nhiều quá. Giờ ngoài bệnh huyết áp cao, tôi thường xuyên bị ho, nhức mỏi khắp cơ thể, nói chưa được tròn tiếng. Có nhiều hôm cảm giác trên đầu đang có hàng trăm chiếc kim châm vào. Ngồi nói chuyện với vợ con, họ hàng nhiều lúc tôi bị "đơ", chẳng hiểu mọi người đang nói cái gì chỉ biết ngồi cười" - ông Hàn Đức Long chia sẻ.

Phần vì tuổi tác, phần nhiều là do những năm tháng vướng vào oan trái đã lấy đi hết những phẩm chất từng có của người lính trinh sát trong ông. Người tù oan này cho biết, ông nhập ngũ tháng 7.1980, xuất ngũ tháng 11.1984.

"Tuy nhỏ con nhưng tôi khỏe mạnh, lanh lẹ nên được chọn làm lính trinh sát. Đơn vị tôi lúc đó là C17, Trung đoàn 529, Sư đoàn 311, Quân đoàn 26, Quân khu 1, đóng quân ở biên giới Cao Bằng" - ông Long cho biết.

cuu tu tu han duc long va nhung chuyen lan dau tien moi ke hinh anh 1
Vợ chồng ông Hàn Đức Long vui sum vầy bên hai đứa cháu nội.

Câu nói đoán định tương lai (?)

Tôi đặt câu hỏi vui với ông Long: "Thời trai trẻ đã bao giờ ông đi xem bói để thử xem về tương lai của mình chưa?". Ông Long nói ông không tin vào chuyện tử vi, bói toán nên không bao giờ đi xem. Tuy nhiên có một câu chuyện ông không thể nào quên, một câu nói của người đồng đội không biết vô tình hay hữu ý, nhưng qua trải nghiệm ông thấy nó đã vận đúng vào cuộc đời ông.

Ông Long kể: Vào một buổi tối năm 1982, ông và một số đồng đội đến uống rượu tại một nhà sàn của người dân ở xóm Bản Bung, xã Danh Sĩ, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. "Khi chúng tôi đang trò chuyện vui vẻ, bỗng anh Đoàn (cùng đơn vị - quê Bắc Giang, hiện đang sống ở Thái Nguyên) chỉ tay về phía tôi nói: "Trông mặt cậu sau này kiểu gì cũng sẽ bị đi tù oan". Tôi cười bảo cậu này chỉ được cái đùa vớ vẩn, tôi làm sao có thể vướng phải chuyện phi lý đó được?" - ông Long nhớ lại.

Còn một câu chuyện khác, ban đầu ông Long không để tâm và cũng chẳng nói với ai trong nhà. Sau này khi vào tù, ông lại hay nghĩ luẩn quẩn xung quanh câu chuyện đó.

Sau khi xây nhà xong (năm 1993), ông Long tiến hành lát xi măng khoảng sân trước nhà để làm chỗ phơi khi mùa vụ đến. Chỉ tay vào hàng gạch nham nhở trước nhà, ông bảo: “Lúc đào móng xây hàng gạch làm bờ sân, tôi đào phải chỗ đất rất xốp, đất ở chỗ đó màu khác hẳn với dải đất đã đào lên, bên dưới lại có hàng đá xếp vuông vắn. Mặc dù thấy lạ nhưng tôi cũng chẳng nghĩ gì, cứ dùng xẻng hất cả lên. Một thời gian sau, tôi có nói chuyện đó với một phụ nữ từng trải trong làng (nay bà đã hơn 80 tuổi). Bà bảo, có thể tôi đã đào phải mộ trẻ em. Bởi bà cũng nghe lại là rất lâu trước đó, trong làng có đứa trẻ bị chết sớm. Gia đình đã đưa đứa trẻ đến khu đất này để chôn. Thi thể đứa trẻ chỉ được quấn manh chiếu, sau đó người ta cũng xếp những viên đá vuông vức để làm dấu. Sau này không biết vì lý do gì mà nấm mồ đó bị lãng quên”.

Nghe xong chuyện, ông Long cũng muốn về làm lễ, nhưng nghĩ bản thân đi phu hồ thường xuyên vắng nhà, nếu nói chuyện này ra sẽ làm vợ, con sợ nên đành thôi.

“Không biết chuyện đó có phải là điềm báo trước cho quãng đời đen tối của tôi không? Nhưng thực tế là một thời gian sau, tôi bị lừa mất khoản tiền, làm ăn gặp khó khăn, rồi vướng vào án oan hàng chục năm ròng. Ở tù thời gian dài, tôi mới kể cho vợ nghe câu chuyện đó. Mọi người cũng bảo tôi nên làm lễ tạ ơn, coi như một cách giải tỏa tâm lý” - ông Long tâm sự.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26.6.2005, cặp vợ chồng ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy con gái 5 tuổi đâu. Sáng sớm hôm sau, người dân phát hiện xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Cơ quan chức năng xác định cháu bé bị hiếp dâm rồi dìm chết.

Tháng 10.2005, cơ quan điều tra nhận được đơn của hai mẹ con bà Trương Thị Năm tố cáo Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này và khai còn là "thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi nêu trên".

Từ năm 2007 đến 2011, qua 4 phiên tòa, TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao đều tuyên ông Long không phạm tội Hiếp dâm mẹ con bà Năm, nhưng cho rằng ông Long phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người và tuyên án tử hình.

Năm 2014, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để yêu cầu điều tra làm rõ nhiều vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án.

Giữa năm 2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang trong kết luận điều tra bổ sung vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Long vì cho rằng đủ căn cứ kết tội.

Ngày 20.12.2016, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đánh giá kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long về các tội danh bị khởi tố. Vì vậy, đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án với bị can Hàn Đức Long.

 
Theo Lương Kết (Dân Việt)

Nổi bật