Theo BLHS 2015, xoá án tích giúp người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù, sau thời gian thử thách được tái hòa nhập cộng đồng có một tâm thế tốt hơn, giảm đi mặc cảm vì hành vi phạm tội trước đây. Người bị kết án về hành vi phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù và trải qua thời gian thử thách thì được xóa án tích. Người được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án.
Hiện có 3 trường hợp được xóa án tích gồm: Đương nhiên được xóa án tích; Xóa án tích theo quyết định của Tòa án; Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
Về trường hợp đương nhiên được xóa án tích, Điều 70 BLHS 2015 nêu rõ, các trường hợp đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích gồm: Người bị kết án được xóa án tích trong trường hợp từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn: 1 năm nếu bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 2 năm trong nếu bị phạt tù đến 5 năm.
Ngoài ra, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, người đương nhiên được xóa án tích yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để chứng nhận việc đã được xoá án tích.
Về xóa án tích đồi với người hưởng án treo, khoản 1, Điều 65, BLHS 2015 và Điều 1, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nêu rõ, án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm; đồng thời, được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Từ các quy định trên có thể thấy, người được hưởng án treo và chưa được xóa án tích thì vẫn xem là có tiền án. Mặc dù không phải chấp hành hình phạt tù nhưng người hưởng án treo cũng đã bị tuyên án là phạm tội, phải chấp hành án – luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Tuy vậy, án treo thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Thời gian xóa án tích đối với người thi hành án treo sẽ bắt đầu tính từ khi chấp hành xong thời gian thử thách án treo và sau 1 năm không thực hiện hành vi phạm tội mới. Sau khi hết thời gian thử thách án treo, nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới thì sẽ được xóa án tích sau 1 năm.
Từ quy định trên thì có thể nhận định, tiền án được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hình sự. Người có tiền án (hay người có án tích) là người đã bị tòa án ra quyết định kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án.
Trở lại với trường hợp của cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong lý lịch tư pháp, ông Hải từng bị phạt 3 năm tù cho hưởng án treo về Tội đầu cơ, hiện đã được xóa án tích. Thông thường, những người có chức vụ, quyền hạn do được lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm kỹ càng nên luôn có lý lịch trong sạch, nhân thân tốt.
Vì vậy, nên thông tin về bị can Đỗ Thắng Hải trong vụ án Xuyên Việt Oil khiến nhiều người khá bất ngờ. Mặc dù những người phạm tội từng bị kết án đã được xóa án tích không được coi là có tiền án song nếu tiếp tục phạm tội sẽ được xác định là nhân thân xấu và có thể bị áp dụng mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn – luật sư Lê Hồng Vân nhận định.
Theo Huệ Linh (An Ninh Thủ Đô)