Sáng 20/12, khi được HĐXX cho thực hiện quyền tự bào chữa, bị cáo Phạm Thị Phương Anh đã bật khóc trước tòa. Lời nói của bà Anh liên tục bị ngắt quãng.
Bà Anh cho hay, trong tất cả những bị cáo ở đây, có lẽ bất cứ ai cũng không mong muốn có ngày hôm nay. Bản thân bị cáo sinh ra ở một nơi rất nghèo, để rồi khi về Hà Nội lại phải đứng tại đây với tư cách này.
"Sau khi nghe bản luận tội của VKS ai cũng choáng váng. Kể từ khi thanh tra tới lúc ra bản cáo trạng, bị cáo đã biết mình sai, bị cáo rất mong nhận được sự bao dung của các cơ quan công tố. Cho cá nhân bị cáo được cơ hội sửa chữa…cái sai ngày hôm nay là cái sai đầu tiên từ thuở thơ ấu, đau xót quá. Bị cáo cũng như những người phạm tội có mặt tại tòa hôm nay rất mong nhận được sự bao dung, lòng vị tha của pháp luật để chúng tôi được tiếp tục được làm công dân có ích cho xã hội. Cá nhân bị cáo được tiếp tục điều trị bệnh của mình…báo hiếu với mẹ cha, dạy bảo con cái…" bà Anh nghẹn ngào nói.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Phương Anh, luật sư Nguyễn Văn Sơn đề nghị HĐXX cần xác định đúng vai trò để đánh giá đúng tính chất hành vi của bị cáo. Xem xét kĩ hoàn cảnh nguyên nhân phạm tội của bà Phương Anh. Theo cáo trạng và diễn biến vụ án thì việc mua bán dự án trên từ đầu tới cuối đã có sự chỉ đạo cao nhất từ phía Bộ TT&TT. Bản thân bà Anh cũng chỉ là cấp dưới, người giúp việc.
Luật sư cho rằng, bà Phương Anh cũng như những thành viên khác trong tổ tư vấn không đủ thông tin, năng lực để đánh giá được về mức giá mua bán và tính khả thi, sự hiệu quả của dự án. Với quan hệ là thuộc cấp, bà Anh phải tuân thủ chỉ đạo của cấp trên. Sự chỉ đạo không đơn thuần chỉ của Mobifone mà còn của cả Bộ TT&TT.
Liên quan tới các tình tiết giảm nhẹ, ngoài việc đồng tình với quan điểm của đại diện VKS, luật sư Sơn bổ sung thêm: Bản thân bị cáo Phương Anh tích cực phối hợp cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án; bị cáo có rất nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình có công với cách mạng.
Với quan điểm nêu trên, luật sư đề nghị HĐXX vận dụng các tình tiết giảm nhẹ bổ sung, lưu tâm đánh giá khách quan, cụ thể, chi tiết hoàn cảnh phạm tội, vai trò của bị cáo. Sự ăn năn, hối cải của bị cáo để cho bị cáo Phạm Thị Phương Anh được hưởng án treo.
Trước đó sau khi đánh giá cụ thể vai trò các bị cáo trong vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với từng bị cáo:
Tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng":
Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Bộ TTTT: 16-18 năm tù.
Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone: 7-8 năm tù.
Trương Minh Tuấn - cựu Bộ trưởng Bộ TTTT: 6-7 năm tù.
Phạm Đình Trọng - cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT: 5-6 năm tù.
Võ Văn Mạnh - Giám đốc Công ty AMAX: 4-5 năm tù.
Cao Duy Hải - cựu Tổng Giám đốc MobiFone: 4-5 năm tù.
Hoàng Duy Quang - thẩm định viên Cty AMAX): 3-4 năm tù.
Phan Thị Hoa Mai - thành viên HĐTV MobiFone: 3-3,5 năm tù.
Bốn Phó Tổng Giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Mạnh Hùng cùng bị đề nghị mức án 2,5-3 năm tù.
Nguyễn Đăng Nguyên - Phó TGĐ MobiFone: 2-2,5 năm tù.
Với tội "Đưa hối lộ", bị cáo Phạm Nhật Vũ bị đề nghị 3-4 năm tù:
Tội "Nhận hối lộ", bị cáo Nguyễn Bắc Son bị đề nghị tử hình; Trương Minh Tuấn: 8-9 năm tù; Cao Duy Hải: 10-11 năm tù và Lê Nam Trà: 16-17 năm tù.
Tổng hợp hình phạt, đại diện VKS sát đề nghị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son tử hình; Lê Nam Trà: 23-25 năm tù, Trương Minh Tuấn: 14-16 năm tù và Cao Duy Hải: 14-16 năm tù.
Theo Xuân Thắng – Thanh Sơn (Giadinh.net.vn)