Cựu Phó trưởng Phòng Quản lý quỹ Ngân hàng ACB bị đề nghị từ 16-17 năm tù

24/09/2016 10:04:00

Tại phiên xử ngày 23-9, HĐXX TAND TP Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Bảo Ngọc và bị án Huyền Như được trích xuất tới Tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên xử ngày 23-9, HĐXX TAND TP Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Bảo Ngọc và bị án Huyền Như được trích xuất tới Tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Giữa năm 2014, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm. Tại phiên xử này, HĐXX TAND TP Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Bảo Ngọc và bị án Huyền Như được trích xuất tới Tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Huyền Như đã bị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên phạt tù chung thân trong một vụ án khác.

Kết quả điều tra xác định, ngày 22-3-2010, Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB là Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất chủ trương "ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng Giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng...

Bị cáo Huyền Như tại phiên xử ngày 23-9.

Ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác". Thực hiện chủ trương này, Kế toán trưởng Ngân hàng ACB là Nguyễn Văn Hòa đã đề xuất và được Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải phê duyệt về hạn mức gửi tiền, thời hạn gửi tiền và danh sách các nhân viên được Ngân hàng ACB ủy thác gửi tiền.

Tại thời điểm tháng 6- 2011, Lý Xuân Hải phê duyệt hạn mức gửi tiền tại VietinBank là 1.500 tỷ đồng, thời hạn gửi 6 tháng và danh sách 19 nhân viên được Ngân hàng ACB ủy thác gửi tiền, trong đó có 17 nhân viên thuộc Phòng Quản lý quỹ. Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa chỉ đạo Bảo Ngọc, khi đó là Phó trưởng phòng Quản lý quỹ và cấp dưới liên hệ với các Chi nhánh hoặc Phòng Giao dịch thuộc VietinBank để thăm dò lãi suất huy động tiền gửi.

 Theo yêu cầu của Nguyễn Văn Hòa, mức lãi suất tiền gửi tối thiểu là từ 17,5 - 17,8%/năm, nếu thỏa thuận được mức cao hơn cũng phải báo cáo để Nguyễn Văn Hòa quyết định tổng số tiền gửi và ký hạn tiền gửi. Thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Hòa, Bảo Ngọc liên hệ qua điện thoại với Huyền Như, khi đó là Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Ngọc và Như đã thỏa thuận như sau: Mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tại VietinBank TP Hồ Chí Minh từ 18,8 – 20%/năm, tùy theo thời điểm và thời hạn gửi tiền. Lãi suất này bao gồm: lãi suất ghi trong hợp đồng là 14%/năm, trả lãi sau; lãi suất ngoài hợp đồng từ 4,8% - 6%/năm (trong đó lãi suất của người gửi tiền từ 3,8 - 4,5%/năm và lãi suất trả riêng cho Ngọc từ 0,1 – 1,5%/năm).

Lãi suất ngoài hợp đồng của người gửi tiền được trả trước bằng chuyển khoản vào tài khoản của họ mở tại VietinBank TP Hồ Chí Minh và chỉ được rút khi đến hạn thanh toán; lãi suất ngoài hợp đồng của Ngọc được trả trước theo chỉ định của Ngọc trong từng lần gửi tiểu.

Từ ngày 21-7-2011 đến 5- 9-2011, Ngọc chỉ định 17 nhân viên thực hiện việc gửi tiền tại VietinBank TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các nhân viên của Ngọc đã ký 32 “Hợp đồng ủy thác gửi tiền” với Ngân hàng ACB (đại diện là Nguyễn Văn Hòa), đồng thời ký 32 “Hợp đồng gửi tiền” với VietinBank TP Hồ Chí Minh (đại diện là Phó Giám đốc Nguyễn Thị Minh Hương hoặc Phó giám đốc Trương Minh Hoàng).

Thực hiện hợp đồng ủy thác, Ngân hàng ACB đã chuyển tổng số tiền gần 670 tỷ đồng vào tài khoản thanh toán của 17 nhân viên Ngân hàng ACB mở tại VietinBank Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ. 

Sau khi nhận được số tiền trên, Như đã chuyển tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản của nhân viên Ngân hàng ACB để trả khoản lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng của người gửi tiền; đồng thời chuyển số tiền hơn 3,2 tỷ đồng vào tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị gái Ngọc) để trả khoản lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng cho riêng Ngọc theo đúng yêu cầu của Ngọc…

Lợi dụng các điều kiện do Ngọc đã tạo ra, Như đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền gần 670 tỷ đồng thuộc 32 hợp đồng gửi tiền của 17 nhân viên Ngân hàng ACB. Trong quá trình điều tra, Như đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và khai báo hành vi của Ngọc như trên. 

Ngọc không khai nhận việc yêu cầu Như phải trả riêng cho Ngọc lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 1 – 1,5%/năm trên tổng số tiền gửi và đã được Như chấp nhận trả trước số tiền gần 3,2 tỷ đồng vào tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên, theo yêu cầu của Ngọc.

Trong quá trình điều tra vụ án Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức, Uyên có hành vi khai báo gian dối nhằm che giấu hành vi phạm tội của Ngọc. Tuy nhiên, Uyên đã tự nguyện giao nộp lại số tiền Ngọc thu lợi bất chính (gần 3,2 tỷ đồng) nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.

Trong ngày đầu xét xử, bị cáo Ngọc khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội. Ngọc cho rằng, bị cáo chỉ là nạn nhân của Huyền Như như nhiều người khác. Tuy nhiên, vị đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố đã chỉ rõ hành vi vi phạm của bị cáo Ngọc qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án… 

Kết thúc phần thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Ngọc từ 16-17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Nguyễn Hưng (CAND Online)