Ngày 9/4, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử ông Huỳnh Văn Dõng (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Khánh Hòa) cùng các đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Khánh Hòa.
Có 6 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa), Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính CDC Khánh Hòa), Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên khoa Dược - Vật tư y tế CDC Khánh Hòa), Nguyễn Thị Thúy (Giám đốc Phòng Dự án Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng VN - VNDAT), Nguyễn Trường Giang (cựu Tổng Giám đốc VNDAT) và Cao Văn Cường (chủ hộ kinh doanh cơ sở Phong Phú). Tại phiên tòa, hai bị cáo Thúy, Giang và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
“Chỉ ký chứ không hiểu lắm”
Tại phần xét hỏi, HĐXX dành nhiều thời gian xét hỏi bị cáo Huỳnh Văn Dõng để làm rõ nguyên nhân sai phạm tại CDC Khánh Hòa và động cơ nhận gần 2 tỷ đồng “hoa hồng” từ doanh nghiệp.
Trước tòa, bị cáo Huỳnh Văn Dõng thừa nhận nội dung cáo trạng đã nêu. Tuy nhiên, là người đứng đầu CDC Khánh Hòa và trách nhiệm Tổ trưởng tổ chuyên gia về đấu thầu, nhưng ông Dõng nhiều lần cho rằng việc mua sắm, đấu thầu chủ yếu do bộ phận tham mưu chuyên môn chứ ông không hiểu rõ lắm. Cựu giám đốc CDC Khánh Hòa cho rằng quy trình thực hiện các gói thầu với VNDAT là do cấp dưới tham mưu và ông chỉ ký.
“Thời điểm đó công tác chống dịch cấp bách nên tôi không thể quán xuyến được hết mọi việc, do đó mới để xảy ra sai phạm như cáo trạng đã truy tố”, bị cáo Dõng trình bày.
Phản bác các lời khai của bị cáo Dõng, HĐXX lập luận, ngoài trách nhiệm tổ trưởng, bị cáo còn có trách nhiệm của người đứng đầu, tại sao bị cáo có thể đổ thừa do cấp dưới tham mưu lên. Nếu cấp dưới tham mưu, bị cáo không ký hồ sơ thì hợp đồng đó có thực hiện được không?
Có suy nghĩ chia tiền cho nhân viên?
Về việc nhận gần 2 tỷ đồng của VNDAT, bị cáo Dõng khai bản thân không biết đó là tiền "hoa hồng” mà chỉ nghĩ số tiền doanh nghiệp đưa cấp dưới chuyển tới mình nhằm cảm ơn đơn vị, hỗ trợ anh em phòng chống dịch. Ông Dõng khai rằng, trước đó Nguyễn Thị Thúy (Giám đốc Phòng Dự án VNDAT) có giao tiền cho Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính CDC Khánh Hòa) mang về. Sau đó, Huy nói rằng đây là tiền mà VNDAT hỗ trợ cho anh em chống dịch.
Bị cáo này cho biết, sau khi bị khởi tố đã chủ động nộp lại cho cơ quan chức năng hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, nộp thêm 2 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả.
Trước lời khai của Dõng rằng tiền "hoa hồng" mà VNDAT đưa cho CDC Khánh Hòa là "hỗ trợ anh em chống dịch", HĐXX phân tích bị cáo Dõng chưa trung thực, CDC Khánh Hòa có tổng số là 150 nhân viên nhưng thực tế Dõng chỉ chi cho 2 cấp dưới (Huy 30 triệu đồng và kế toán CDC Khánh Hòa 50 triệu đồng).
Về việc này, Dõng khai rằng có suy nghĩ trong đầu là 150 nhân viên thì chia mỗi người 10 triệu đồng nhưng chưa kịp thực hiện. “Số tiền còn lại gần 1,9 tỷ đồng vẫn đang cất trong phòng làm việc, bị cáo "nghĩ trong đầu" là sẽ chia lại cho các nhân viên khác nhưng chưa thực hiện được vì đang trong giai đoạn chống dịch”, bị cáo Dõng giải thích.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, Huỳnh Văn Dõng (Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu CDC Khánh Hòa) cùng cấp dưới đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thực hiện trái quy định 5 gói thầu với công ty VNDAT. Sai phạm các gói thầu này đã tạo điều kiện cho Công ty VNDAT thu lợi bất hợp pháp với mức lợi nhuận lên đến hơn 350% giá vốn, gây hậu quả thiệt hại về tài sản nhà nước hơn 9,8 tỷ đồng. Phía công ty này sau đó chi “hoa hồng” cho bị cáo Dõng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cao Văn Cường (chủ hộ kinh doanh Phong Phú) đã có hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật và làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu đấu thầu bằng cách làm và sử dụng con dấu, tài liệu giả của các hộ kinh doanh; cố ý lập khống hợp đồng nhân sự, hợp đồng kinh tế và giả mạo chữ ký để cung cấp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đảm bảo các điều kiện về nhân sự, năng lực tham gia đấu thầu và được xét trúng thầu 37 gói thầu tại CDC Khánh Hòa có tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng. Cường đã có hành vi gian lận trong đấu thầu để hưởng lợi nhuận bất hợp pháp từ số tiền CDC Khánh Hòa đã sử dụng ngân sách Nhà nước để thanh toán các gói thầu, gây hậu quả thiệt hại về tài sản Nhà nước số tiền hơn 4,1 tỷ đồng.
Riêng Phan Phương Ngọc đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, không đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, cố ý đưa các đặc điểm khác biệt của hàng hóa vào hồ sơ mời thầu. Dõng đã ký duyệt các kế hoạch mua sắm để Ngọc thực hiện các gói thầu mua hàng hóa của Công ty CP Dược phẩm Tường Khuê trái quy định pháp luật để tạo điều kiện cho công ty này trúng 4 gói thầu và hưởng lợi bất hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản Nhà nước số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 15/4/2024.
Theo Khánh Nguyên (Tiền Phong)