Như ông Hiến, ông Bùi Như Thiềm, cựu trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân và ông Bùi Văn Nga, cựu giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt hoặc xin hưởng án treo. Tuy nhiên, hai bị cáo Thiềm, Nga vắng mặt tại phiên phúc thẩm với lý do sức khỏe không đảm bảo.
Bị cáo Phạm Văn Diệt, cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình, kháng cáo xin xem xét lại tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt, hủy bỏ hình phạt bổ sung.
Ông Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc"), cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn và Trần Trọng Tuấn, cựu phó giám đốc, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, kháng cáo kêu oan.
Ông Đoàn Mạnh Thảo, cựu Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân, kháng cáo xin xem xét một số nội dung oan sai và xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong 8 người bị xét xử sơ thẩm, duy nhất bà Vũ Thị Hoan, cựu giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, không kháng cáo, chấp nhận án 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
7 doanh nghiệp trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có kháng cáo gồm: Công ty CP Yên Khánh - Hải Thành; Công ty CP BOT cầu Việt Trì; Công ty CP xăng dầu Thái Sơn, Bộ Q.P; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20; Công ty CP tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH một thành viên dịch vụ du lịch biển đảo Hải Thành.
Tại phiên sơ thẩm ngày 21/5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tuyên phạt ông Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Bùi Như Thiềm lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị cáo còn lại bị phạt 4-15 năm tù.
Bản án sơ thẩm thể hiện, đầu năm 2006, hơn 6.700 m2 đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) được Quân chủng Hải quân chủ trương đưa vào làm kinh tế, đảm bảo đúng quy định pháp luật và có lợi cho Quân chủng.
Quá trình thực hiện, các bị cáo Thiềm, Nga và Thảo đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh Hải Quân và trực tiếp thực hiện các phương án chuyển đổi mục đích sử dụng ba khu đất trên thành đất kinh tế, trái với quy định quản lý đất đai. Ba khu đất đều bị mang góp vốn trái quy định, trái chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng. Riêng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng bị ông Hệ và đồng phạm lừa chiếm, mang thế chấp ngân hàng tới nay vẫn còn dư nợ hơn 540 tỷ đồng.
Ông Hiến, khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng, không kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị liên quan dẫn đến việc bị đối tác đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng cho bên thứ ba.
Hành vi của ông Hiến cùng các bị cáo khiến Quân chủng Hải quân mất quyền sử dụng ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng, bản án sơ thẩm cáo buộc.
Theo Thanh Vân (VnExpress.net)