Chiều nay 22-1, phiên toà xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Hùng - cựu phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - tiếp tục với phần xét hỏi.
Theo cáo buộc, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cao Thị Minh Thuận, giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, biết bị cáo Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để được xử lý nhẹ.
Bị cáo Hùng đồng ý với đề nghị của bị cáo Thuận, nhưng yêu cầu phải chỉ điểm một số cơ sở in lậu sách khác. Sau đó, bị cáo Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để gặp Hùng, bày tỏ muốn chi 400 triệu đồng để xin bỏ qua vụ việc.
Sau đó, Hùng đã hướng dẫn các bị can thay đổi lời khai về nguồn gốc, chuyển từ sách do Thuận mua thành sách do người khác mang đến ký gửi. Ngoài ra, bị cáo Trần Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương (cựu phó đội trưởng Đội QLTT số 17) tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính.
Sáng 15-7-2020, Hải cầm 300 triệu đồng đến phòng làm việc của bị cáo Trần Hùng. Tại đây, Hải đã gọi điện để bị cáo Hùng nói chuyện với bị cáo Thuận, hướng dẫn viết lại bản tường trình thay đổi lời khai nguồn gốc sách bị thu giữ.
Tại phiên toà, chiều 22-1, bị cáo Lê Việt Phương khai bị cáo là cấp dưới của Trần Hùng song không nhận chỉ đạo từ cựu tổ trưởng Tổ 304. Theo đó, Tổ công tác 304 có chức năng thay mặt Tổng Cục trưởng chỉ đạo các vụ việc trực tiếp phát hiện và giám sát các cục khác.
Trong vụ việc liên quan đến Công ty Phúc Hưng Phát, bị cáo Phương cho biết ban đầu, bị cáo đấu tranh "rất quyết liệt gay gắt" vì Cao Thị Minh Thuận không hợp tác, không chịu ký vào biên bản. Sau đó, cựu đội phó Đội QLTT đã gọi điện cho ông Trần Hùng và cựu tổ trưởng Tổ 304 cũng đã gọi điện cho Thuận song người phụ nữ này vẫn không ký biên bản thừa nhận.
Theo bị cáo Phương, thời điểm đó bị cáo cũng lo sợ vì hồ sơ phải viết khách quan. Bị cáo có nói với Thuận phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Sau đó, ông Trần Hùng có gọi bị cáo này nói với bị cáo "xử lý nhẹ cho Thuận", theo hướng xử lý hành chính.
Khai trước toà, bị cáo Cao Thị Minh Thuận cho biết quen Nguyễn Duy Hải từ trước và biết Hải có quan hệ với bị cáo Trần Hùng từ trước nên nhờ. Ban đầu, bị cáo chỉ xin số điện thoại để xin cựu tổ trưởng Tổ 304 trước song bị cáo Hùng không gặp.
Về lý do thay đổi lời khai, bị cáo Cao Thị Minh Thuận cho biết Nguyễn Duy Hải nói bị cáo Trần Hùng bảo thay đổi lời khai. Sau đó, vụ việc được xử lý hành chính phạt 50 triệu đồng, không bị chuyển sang công an.
Nữ giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, khai đã bàn bạc với Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần In Hà Nội, đưa 4 cọc tiền mệnh giá 500 ngàn, 5 cọc tiền mệnh giá 200 ngàn, với tổng số tiền 300 triệu đồng cho Nguyễn Duy Hải. Qua đó, Hải đưa cho ông Trần Hùng để được "xử lý nhẹ".
Theo Cao Thị Minh Thuận, bị cáo không được trực tiếp chứng kiến Nguyễn Duy Hải đưa tiền cho ông Trần Hùng song khi nói chuyện qua điện thoại với cựu tổ trưởng Tổ 304 "bị cáo cảm nhận anh Hùng đã nhận tiền". Cùng với đó, vụ việc cũng được giải quyết.
Trước bục khai báo, cựu tổ trưởng Tổ 304 Trần Hùng khẳng định bản thân không nhận hối lộ từ Nguyễn Duy Hải. Bị cáo này còn khẳng định hàng chục năm công tác ở QLTT "không đối tượng nào mua chuộc được tôi".
Về vụ việc Phú Hưng Phát, bị cáo Trần Hùng cho biết bị cáo là người nhận tin tố giác, qua xác minh ban đầu thấy đúng nên đã giao trực tiếp cho Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên. Để đảm bảo bí mật, bị cáo đã đưa trực tiếp Đội QLTT 17 Hà Nội đến hiện trường để bắt quả tang.
Khai tại toà, bị cáo Hùng phủ nhận không gọi điện tác động gì để "để xử lý nhẹ" Phú Hưng Phát.
Theo bị cáo Trần Hùng, vụ án này khởi tố là chính xác. Tuy nhiên, sau khi không khởi tố, bị cáo đã gọi trực tiếp cho anh Chu Xuân Kiên, lúc đó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội nói, việc này "nhạy cảm, phức tạp lắm, có sự can thiệp của ai đấy".
Cựu tổ trưởng Tổ 304 còn khai bị cáo không biết Cao Thị Minh Thuận là ai, cũng chưa từng gặp trực tiếp. Khi xử lý vụ việc, Thuận gọi điện xin gặp song bị cáo đã từ chối.
Theo bị cáo Hùng, bản thân cũng hoàn toàn không quen biết Nguyễn Duy Hải. Bị cáo chỉ biết khoảng 20 ngày trước khi xử lý vụ việc Phú Hưng Phát do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà sách Trí Việt giới thiệu nói "anh này biết nhiều chỗ in sách lậu, anh ấy chỉ cho".
Theo lời khai của Trần Hùng, sáng 15-7-2020, Nguyễn Duy Hải đến phòng làm việc của bị cáo, lúc đó còn 2 người khác, Hải nói Thuận biếu tổ công tác mấy trăm triệu. Bị cáo đã chỉ thẳng tay vào mặt Hải mắng: "Mày định hối lộ tao à, có muốn báo công an không... Sau đó, tôi đuổi Hải ra khỏi phòng làm việc".
Trước toà, cựu tổ trưởng Tổ 304 cho rằng lời khai của Nguyễn Duy Hải là "vu khống, bịa đặt trắng trợn". Sau khi đuổi Hải ra khỏi phòng, bị cáo về nhà ăn giỗ và không gặp lại người này.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi ra khỏi phòng, Nguyễn Duy Hải đã đi ăn cùng 2 đồng nghiệp của ông Trần Hùng. Sau khi ăn, Hải đã quay lại để hối lộ 300 triệu đồng cựu tổ trưởng Tổ 304 mà không có sự chứng kiến của 2 người đồng nghiệp nêu trên.
Tại toà, bị cáo Hùng nói lớn: "Danh dự và liêm sỉ của tôi là quan trọng nhất". Sau đó, Chủ toạ đề nghị bị cáo nên bình tĩnh.
Tại phiên toà hôm nay 22-1, vắng mặt một số nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong đó có bị án Nguyễn Duy Hải.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)