Ngày 16-4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ đại án gang thép Thái Nguyên. 19 bị cáo hầu tòa là các cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Kiến nghị thay đổi tội danh
Ông Mai Văn Tinh, cựu chủ tịch HĐQT VNS, bị đại diện VKS đề nghị 6-7 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Theo cáo buộc, ông Tinh có trách nhiệm xem xét phê duyệt và chỉ đạo thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định. Lẽ ra, khi được TISCO báo cáo việc MCC vi phạm hợp đồng, ông Tinh phải có trách nhiệm chỉ đạo, xem xét chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, hủy hợp đồng với để tổ chức đấu thầu lại.
Tuy nhiên, ông Tinh lại chỉ đạo đàm phán với MCC để giải quyết các phát sinh của hợp đồng EPC, trực tiếp ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho điều chỉnh chi phí phần C, ký văn bản đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C…
Tự bào chữa, ông Tinh nói bản thân có một phần trách nhiệm khiến dự án bị dừng, gây ra hậu quả thiệt hại tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng mức án mà đại diện VKS đề nghị đối với mình là “hơi nặng”.
Cựu chủ tịch VNS phân trần thời điểm hợp đồng EPC được ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), ông cùng cấp dưới tại VNS và TISCO đều mong muốn tìm mọi cách để dự án đạt hiệu quả cao, hoàn thành tiến độ.
"Nhưng muốn có phương án tối ưu thì phải xin ý kiến cấp trên. Sau khi được phê duyệt, phương án đó mới giao cho tổng giám đốc thực hiện", ông Tinh lập luận.
Bào chữa cho ông Tinh, luật sư đưa ra nhiều căn cứ, kiến nghị HĐXX thay đổi tội danh đối với ông Tinh từ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí sang thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Làm theo ý kiến chỉ đạo?
Theo luật sư, tại dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng EPC là TISCO và MCC, do vậy việc dừng hợp đồng (nếu diễn ra) sẽ thuộc trách nhiệm của TISCO, do TISCO tiến hành chứ không phải là VNS.
Luật sư viện dẫn hai công văn mà TISCO gửi Bộ Công thương và VNS, trong đó TISCO đều khẳng định quyết tâm thực hiện hoàn thành dự án, đề nghị hai cơ quan này quan tâm chỉ đạo, giúp TISCO tháo gỡ khó khăn. Điều này cho thấy TISCO chỉ thể hiện ý chí muốn tiếp tục thực hiện dự án dù MCC vi phạm, chứ không đề xuất phương án dừng hợp đồng.
Đối với cáo buộc chỉ đạo đàm phán với MCC, luật sư tiếp tục viện dẫn văn bản 8845 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu “HĐQT VNS chỉ đạo thành lập đoàn đàm phán để xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng”.
Như vậy, việc VNS ban hành quyết định thành lập đoàn đàm phán thực chất là tiếp thu và thực hiện ý kiến chỉ đạo chứ không phải là một quyết định độc lập của HĐQT VNS hay cá nhân ông Mai Văn Tinh.
Về cáo buộc chấp thuận VNINANCON làm nhà thầu phụ, luật sư nhắc lại văn bản 4320 của Bộ Công thương trong đó bộ này giới thiệu VINAINCON và khẳng định đây là doanh nghiệp thuộc Bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp… Từ cơ sở trên, HĐQT VNS do ông Tinh thay mặt có văn bản đồng ý chủ trương cho phép VINAINCON làm nhà thầu phụ.
Sau này, trong kết luận thanh tra của mình, Thanh tra Chính phủ xác định việc Bộ Công Thương có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS và TISCO giao VINAINCON làm nhà thầu phụ là không đúng thẩm quyền được giao.
Cũng theo luật sư, VINAINCON là một công ty có uy tín trên thị trường, nhiều đơn vị thành viên từng xây dựng các công trình lớn… Do vậy, việc quy kết VINAINCON thiếu năng lực là chưa khách quan.
Đối với cáo buộc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án (từ hơn 3.800 tỉ lên hơn 8.100 tỉ), luật sư nói trước khi HĐQT VNS chấp thuận tăng tổng mức đầu tư, VNS đã nhận được ý kiến của Chính phủ và các bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương, đều đồng ý hoặc thống nhất. Như vậy, bản chất việc phê duyệt của HĐQT VNS là triển khai chủ trương đã được cấp lãnh đạo chấp thuận…
Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)