Hôm nay (25/10), phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cháy cơ sở kinh doanh karaoke An Phú bước sang ngày thứ hai.
Trong buổi sáng, HĐXX, đại diện Viện KSND và luật sư đã tập trung xét hỏi các bị cáo, người tố tụng khác cũng như đại diện cho 32 bị hại.
Kết thúc phần xét hỏi, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa hỏi các bị cáo có đồng ý bồi thường thiệt hại như đại diện người bị hại yêu cầu hay không. Trong khi 5 bị cáo đề nghị tòa xem xét theo quy định của pháp luật thì bị cáo Phạm Thị Hồng (SN 1983) bất ngờ bật khóc, liên tục nói mình bị oan ức trong vụ án này.
Hồng nói rằng nếu bảo hỗ trợ tiền cho gia đình các bị hại theo “tình người” thì sẵn sàng, do từ trước tới nay vẫn thường xuyên làm công tác từ thiện, thậm chí bỏ ra hơn 70 triệu đồng để mua thiết bị cho bác sĩ cứu chữa bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu phải bồi thường do phạm tội thì Hồng không đồng ý. Lý do là cựu cán bộ công an này cho rằng mình không phạm tội, không liên quan đến vụ án.
Cũng theo Hồng, từ khi bị khởi tố tới nay, bản thân bị cáo và gia đình chịu áp lực tâm lý nặng nề. Bị cáo sống đơn thân nuôi 2 con nhỏ, thời gian qua lại bị bệnh nặng nhiều lần. Thông tin và hình ảnh của bị cáo lan truyền trên mạng xã hội khiến các con nhỏ bị ảnh hưởng lớn.
“Bị cáo là cán bộ tổng hợp làm trong lĩnh vực cứu nạn cứu hộ, không liên quan đến việc làm hồ sơ cấp phép, thi công thiết kế, thẩm duyệt PCCC. Vì vậy, cáo buộc bị cáo phạm tội như cáo trạng là không đúng” - Hồng nói.
HĐXX sau đó đã nhắc bị cáo Hồng bình tĩnh, chỉ trả lời nội dung đang được hỏi. Những nội dung khác muốn nói, bị cáo sẽ được trình bày ở phần tranh luận vào chiều nay.
Chia sẻ với PV tại hành lang phòng xử án, bị cáo Hồng cho biết thời gian qua đã gửi nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng. Đồng thời, Hồng cũng làm đơn tố cáo các cơ quan tố tụng do đã khởi tố oan bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Dương, năm 2017, Hồng là cán bộ công an công tác tại Đội tổng hợp của Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương). Mặc dù không có tư cách pháp nhân, không được cấp giấy phép kinh doanh lĩnh vực PCCC nhưng Hồng đã nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC cho cơ sở karaoke An Phú để nhận tiền.
Tiếp đó, Hồng thuê một người khác thi công, nhờ bị cáo Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh (đơn vị được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC) - ký vào các biên bản để nghiệm thu, tác động với bị cáo Phạm Quốc Hùng để nghiệm thu cho cơ sở karaoke An Phú.
Theo Xuân An (VietNamNet)