Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận nhận hối lộ 2,25 triệu USD

16/05/2024 09:04:32

Tại phiên toà, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi nhận hối lộ 2,25 triệu USD như bản án sơ thẩm cáo buộc, không bào chữa thêm

Ngày 16-5, phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo của cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu chủ tịch, cựu tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và nhiều bị cáo khác trong vụ đại án Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận nhận hối lộ 2,25 triệu USD
Bị cáo Nguyễn Thanh Long (hàng sau) và bị cáo Phạm Duy Tuyến (áo dài tay hàng trước) tại phiên tòa phúc thẩm

Trong phần thẩm vấn trước đó, bị cáo Phan Quốc Việt, cựu chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, cho rằng với sai phạm tại 24 tỉnh thành và cơ sở y tế liên quan vụ án, bị cáo chỉ là đồng phạm không phải chủ mưu. Nếu thiệt hại, CDC các tỉnh cũng phải cùng bồi thường, không thể quy kết cho mình bị cáo.

Theo Phan Quốc Việt, việc nói Công ty Việt Á bán kit test COVID-19 giá cao là không đúng vì đây là loại hàng hóa Nhà nước không áp giá mà theo cơ chế thị trường, nguyên tắc thuận mua vừa bán. Công ty Việt Á công bố giá, đơn vị nào chấp thuận thì mua. Sau đó, Công ty Việt Á nộp thuế cho Nhà nước.

Phan Quốc Việt trình bày đến bây giờ cũng không được ai hướng dẫn phải chống dịch như thế nào để không vi phạm pháp luật. Do đó, bị cáo Việt xin tòa giải đáp thắc mắc trên, "để bị cáo đi tù tâm lý cũng thoải mái hơn".

Tại tòa, bị cáo Long thừa nhận hành vi nhận hối lộ 2,25 triệu USD như bản án sơ thẩm cáo buộc, không bào chữa thêm. Cùng với đó, đã tác động gia đình nộp thêm 1 tỉ đồng để khắc phục chung hậu quả vụ án; còn số tiền nhận hối lộ đã được nộp lại ở giai đoạn sơ thẩm.

Tại toà, Công ty Việt Á kháng cáo với nội dung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm không tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán test xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án này.

Mẹ của bị cáo Phan Quốc Việt kháng cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ kê biên, phong tỏa 52 sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỉ đồng đứng tên của bà tại các ngân hàng; Bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) cũng kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ/thẻ tiết kiệm đứng tên 2 con của bà và bị cáo Việt với tổng số tiền là 20 tỉ đồng tại ngân hàng.

Theo bản án sơ thẩm, khi dịch COVID-19 bùng phát, các bị cáo đã cấu kết chuyển giao đề tài nghiên cứu kit test của Nhà nước sang Công ty Việt Á. Sau khi được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test COVID-19, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá 470.000 đồng/kit test.

Theo đó, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán hơn 4,5 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỉ đồng. Hành vi của Việt và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.235 tỉ đồng, trong đó Nhà nước thiệt hại hơn 402 tỉ đồng tại 19 tỉnh, thành khi mua kit test đã bị nâng khống giá.

Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ tổng cộng hơn 106 tỉ đồng cho các cựu quan chức. Trong đó, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh 4 tỉ đồng; Nguyễn Minh Tuấn 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên 100.000 USD. Bên cạnh đó, Việt còn chi tiền "cảm ơn" cho ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; Chu Ngọc Anh (cựu bộ trưởng KH-CN) 200.000 USD; Phạm Công Trạc (cựu thứ trưởng Bộ KH-CN) 50.000 USD.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 1-2024, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long 18 năm tù; Nguyễn Nam Liên cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), 7 năm tù; Phạm Duy Tuyến cựu giám đốc CDC Hải Dương, 13 năm tù; Nguyễn Huỳnh, cựu phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), 9 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), 8 năm tù; cùng về tội Nhận hối lộ. Bị cáo Phan Quốc Việt bị tuyên phạt tổng cộng 29 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Trong phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày đầu tiên 15-5, các nhà báo được dự tòa song bị cấm mang máy tính cùng các thiết bị điện tử. Tất cả chỉ tác nghiệp bằng cách dùng giấy bút ghi chép rồi mang ra ngoài, viết lại tin trên máy tính và truyền tin về tòa soạn.

Chủ tọa Phạm Văn Tuyển cho hay nhà báo hoặc bất cứ ai nếu ghi âm, ghi hình phiên tòa sẽ bị xử lý nghiêm và yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm soát việc này; ai vi phạm "xử lý nghiêm".

Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)