Cướp tiệm vàng ở Huế: Nhặt vàng không trả có thể bị xử lý hình sự

01/08/2022 08:10:50

Về nguyên tắc, tài sản do phạm tội mà có không ai được phép chứa chấp, tiêu thụ. Tài sản do phạm tội mà có là vật chứng của vụ án, cần phải thu giữ để trả lại cho người bị hại.

Như VietNamNet đã đưa, khoảng 12h45 ngày 31/7, Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú thị xã Hương Thuỷ, TT-Huế) đã dùng súng AK xông vào tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi tại chợ Đông Ba nổ súng chỉ thiên, uy hiếp chủ tiệm để cướp đi lượng lớn vàng.

Sau đó tên cướp vứt vàng ra đường, trên ngọn cây cao và nhiều người dân đã đua nhau nhặt, bất chấp nguy hiểm.

Chiều cùng ngày, Công an TP Huế phát đi thông báo đề nghị người dân trả lại vàng đã nhặt được để phục vụ quá trình điều tra và trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Cướp tiệm vàng ở Huế: Nhặt vàng không trả có thể bị xử lý hình sự
Hình ảnh người dân nhặt vàng của đối tượng cướp vứt ra đường. Ảnh cắt từ clip

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc nhiều người dân lao ra đường nhặt vàng do tên cướp vứt ra là tình tiết cần làm rõ trong vụ án. 

Người dân nào nhặt được vàng, khi cơ quan điều tra và người bị hại yêu cầu trả lại, nhưng cố tình không trả thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định của BLHS.

Theo luật sư, hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, những người đang chứa chấp, tiêu thụ tài sản là vàng do kẻ cướp tiệm vàng cướp được mà không giao nộp, trả lại cho người bị hại cũng có thể bị truy cứu về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. 

Trường hợp người dân nhặt được vàng ngoài đường, khi người bị hại yêu cầu trả lại vẫn không trả lại, nhanh chóng lấy vàng rồi tẩu thoát, theo luật sư, hành vi này có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc Cướp giật tài sản... 

Cướp tiệm vàng ở Huế: Nhặt vàng không trả có thể bị xử lý hình sự - 1
Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, về nguyên tắc, tài sản do phạm tội mà có không ai được phép chứa chấp, tiêu thụ. Tài sản do phạm tội mà có là vật chứng của vụ án, cần phải thu giữ để trả lại cho người bị hại. 

Hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi bỏ quên thì cũng không được phép "đút túi" để thành tài sản của riêng mình, phải thông báo và giao nộp cho chính quyền địa phương.

“Lòng tham khi nhặt được tài sản do bỏ quên, đánh rơi có thể phải trả giá bằng những chế tài của pháp luật”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Theo T.Nhung (VietNamNet) 

Nổi bật