40 năm sau ngày được tha tù, ông Thêm mới được tòa án xin lỗi công khai đã kết tội oan.
Ông tâm sự, sáu người con vì ông mà phải chịu thiệt thòi, giờ muốn có tiền bồi thường để giúp đỡ các con trang trải cuộc sống. "Số tiền có thể không lớn nhưng đó là tất cả những gì tôi làm được để bù đắp cho các con", ông nói.
Có khách đến hỏi chuyện, ông khẽ lật tung từng tờ giấy nhàu nát được gấp cẩn thận thành nhiều tập dày bịch để ngay ngắn dưới cuối giường. Không cần kính, ở tuổi 82 ông đọc rõ từng chữ "nét còn, nét mất" trong những lá đơn, bài báo lưu giữ đã vài chục năm. Nhìn xa xăm, ông nói “đó là những kỷ vật vô giá không bao giờ quên”.
Chỉ tay vào vết sẹo dài trên đầu ông Thêm kể, 47 năm trước, gia đình rất nghèo nên phải đạp xe thồ hàng đi buôn bán khắp các tỉnh. Trong một chuyến đi buôn năm 1970, ông và người em họ Nguyễn Khắc Văn bị cướp khi đang ngủ qua đêm tại căn lều cạnh Cầu Diện (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú). Cuộc tấn công bất ngờ đã khiến ông Văn tử vong.
Từ nạn nhân, ông Thêm thành thủ phạm khi cơ quan điều tra cho rằng đã dàn dựng vụ cướp và giết em họ. Khi đưa ra xét xử, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ) nhận định ông Thêm tự ngụy tạo vết thương trên đầu để che giấu hành vi. Tại hai cấp tòa, ông liên tục kêu oan nhưng đều bị kết án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản.
Ông Trần Văn Thêm. Ảnh: Phạm Dự. |
Đầu năm 1976, do hung thủ vụ án ra đầu thú, ông được trả tự do. "Sau 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù, tôi trở về nhà chỉ với duy nhất tờ giấy miễn lao động nặng và không có tài liệu nào khác liên quan vụ án oan của mình", ông nói và cho hay với tờ giấy này nhiều người nghĩ ông sức khỏe yếu nên mới được tha.
Ông kể thời gian ở tù, có lần đã cùng phạm nhân khác phá xà lim của trại giam để vượt ngục. Nhưng ông quyết định quay lại ngay vì không muốn sống chui lủi khi đang bị oan. Một ngày, ông xin được mẩu giấy nhưng lại không có bút nên đã cắn đầu ngón tay để lấy máu viết thư kêu oan gửi về gia đình để tìm cách chuyển đi các cơ quan có thẩm quyền. Đây là lần gửi duy nhất trong thời gian ở trong tù.
Định kiến, kỳ thị suốt gần nửa thế kỷ
Ngày ông Thêm ngồi tù, người vợ ở nhà tần tảo, gồng gánh nuôi năm con nhỏ. Khi đó bà Trần Thị Xuân (60 tuổi, con ông Thêm) đang học lớp 4 phải nghỉ học vì bạn bè xa lánh. "Nhiều người còn rủa tôi và các em rằng sẽ chẳng có ai lấy vì là con của tử tù, lại thất học. Buồn tủi lắm", bà Xuân kể.
82 tuổi nhưng ông Thêm đọc chữ không cần kính. Ảnh: Phạm Dự. |
Xoa đầu con gái "chịu nhiều thiệt thòi", ông Thêm gần nửa thế kỷ đã qua nhưng người làng vẫn không thôi định kiến. "Họ nói tôi “chạy tiền để được ra tù”. Nhiều khi giải thích không ai hiểu, tôi uất ức, đóng kín cửa cả ngày", ông chia sẻ.
Hồi mới được trả tự do, có người lạ mặt xông hẳn vào nhà chửi bới ông vì "vô nhân tính, giết cả em họ". Trong làng có đám cỗ, nhiều người kỳ thị không ngồi cùng với gia đình ông. "Tại đám cưới đầu tiên tôi đi dự sau khi ra tù, mọi người cụng ly với nhau và bỏ mặc tôi lủi thủi. Họ nói tôi chết 10 lần cũng không đền hết tội", ông Thêm nhớ lại.
Cố gắng cứu vãn nhưng bất thành, ông quyết định đi làm bảo vệ cách nhà hơn 60 km. Nhiều lần ông bị chặn lương và đuổi việc khi người thuê phát hiện là "tử tù". Ông bảo uất hận nhưng chẳng có gì để chứng minh, từng có ý định tìm đến cái chết cho đỡ nhục. "Nhưng rồi nghĩ lại, tôi càng phải sống để chứng minh mình trong sạch cho vợ con khỏi khổ", ông buồn bã nói.
Hơn nửa đời người mang thân phận “tử tù” đi đấu tranh tìm lại sự công bằng, ông Thêm nói “chưa một lần gục ngã”. Ông vẫn mong một lần được hàng xóm công nhận mình là công dân bình thường như bao người khác.
"Sao tôi không được minh oan sớm khiến cuộc sống khổ sở suốt mấy chục năm đằng đẵng", ông nói và cho rằng mình vướng vào vòng luẩn quẩn đầy tủi nhục như là định mệnh nên phải chấp nhận. Ông chỉ mong sau này cháu con được ngẩng cao đầu với xã hội và “nhà nước phải có trách nhiệm làm điều đó”.
- Ngày 23/6/1970, ông Nguyễn Khắc Văn trong lúc cùng ông Trần Văn Thêm đi mua hàng đã bị đánh khiến tử vong. Ông Thêm bị quy kết là thủ phạm. - Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xử sơ thẩm, tuyên ông Thêm án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản. - Năm 1974, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. - Năm 1976, ông Thêm được ra tù khi một người nhận là thủ phạm. - Năm 1997, ông Thêm có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án. - Ngày 6/12/2004, ông Thêm tiếp tục có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại, nhưng không còn giữ giấy tờ liên quan vụ án ngoài chứng nhận bị thương mất sức lao động. - Ngày 8/8/2016, TAND Tối cao xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can. - 11/8/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội công khai xin lỗi ông Thêm. "Đây là bài học đắt giá. TAND Cấp cao tại Hà Nội chân thành xin lỗi ông và xin rút kinh nghiệm", Phó chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Trần Văn Tuân nói với ông Thêm. |
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)