Kiệt bị tuyên án 6 năm tù về tội Giết người. Sau đó tên này được di lý về trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước). Tại đây, Kiệt kết thân với Huỳnh Văn Tiếm.
Nói vợ chồng ông Lê Văn Anh - bà Út không quan tâm đến Kiệt là không hẳn. Bà Út suốt ngày bận buôn bán ngoài chợ cá nên công việc nhà và chăm sóc con cái không được vẹn toàn. Lớn lên dưới sự quản lý, giáo dục có phần hà khắc của người cha không khiến Kiệt nhụt chí giang hồ.
Trái lại, Kiệt ngày càng lầm lì, ít nói nhưng sẵn sàng làm kẻ “tiên phong” xông pha trong mỗi lần đấu đá giữa các băng nhóm.
Giống như những đứa trẻ lang thang tại chợ Phạm Thế Hiển, dù đã bước sang tuổi 24, Kiệt không chịu tìm nghề nghiệp ổn định mà chỉ lo ăn chơi quậy phá. Và cũng chính lúc này, gã lại có một quyết định khá bất ngờ, đó là cưới một cô gái gần nhà kém gã 2 tuổi.
|
Huỳnh Văn Tiếm. |
“Lấy vợ rồi nhưng vì căn hộ tại khu chung cư khá chật chội nên Kiệt dọn ra ở riêng. Ngờ đâu việc lấy vợ sinh con không hề ảnh hưởng đến thói giang hồ của Kiệt”, bà Đỗ Kim (đổi tên) cho hay. Mấy năm sau vợ Kiệt sinh cho gã hai đứa con đủ nếp lẫn tẻ. Nhưng Kiệt vẫn mặc kệ, càn quấy, đánh nhau, đá gà, cá độ mới là việc Kiệt quan tâm.
Trong một lần chơi cá độ thanh toán không sòng phẳng, nhóm của Kiệt gây hấn với băng nhóm giang hồ khác tại quận 7. Hai bên xảy ra ẩu đả. Kiệt hùng hổ nhảy vào đâm chém đối phương như chốn không người.
Sau trận huyết chiến, cả hai bên kẻ chết người bị thương khiến những ai chứng kiến một phen hoảng sợ. Kiệt bị TAND TP HCM kết án 6 năm tù vì tội Giết người.
Người thân hy vọng với án tù vào tuổi 27 sẽ là cơ hội để Kiệt làm lại cuộc đời, tu chí xây dựng tương lai tốt đẹp hơn sau khi mãn hạn. Nào ngờ, đây lại là khởi nguồn để Kiệt thêm một bước phiêu lưu mới trong vết trượt dài tỗi lội của hắn.
“Kiệt đi tù, ông bà Anh như già đi vài chục tuổi. Tội nhất là vợ nó, khi chồng chưa tù tội đã không được nhờ cậy gì, sau này thì vừa chịu tai tiếng vừa một nách nuôi hai con thơ dại, khổ cực trăm bề”, ông Nam người hàng xóm của Kiệt cho biết.
“Duyên kỳ ngộ” trong trại giam
Sau khi bị tuyên án 6 năm tù (1991-1996), Lê Anh Kiệt được di lý đến thụ án tại trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước). Tại đây, Kiệt lọt vào tầm ngắm của Huỳnh Văn Tiếm (56 tuổi) đang thụ án 7 năm (1990-1996) với tội Cướp tài sản công dân, Chế tạo, tàng trữ vũ khí trái phép…
Vốn là một kẻ cáo già, nhìn vào đôi mắt của Tiếm người ta có cảm giác rờn rợn vì sự gian manh, tàn ác. Với trải nghiệm và ‘bề dày” tiền án tiền sự của mình, Tiếm nhanh chóng nhìn thấu bản chất Lê Anh Kiệt.
|
Đường Lê Văn Lương, khu vực bán rau một thời của tướng cướp Lê Anh Kiệt. |
Gã nhận ra rằng, đằng sau vẻ bề ngoài lạnh lùng, lầm lì của Kiệt là cả một con người quyết đoán, có đầu óc tổ chức và khả năng phản ứng nhanh nhạy.
Từ đó, Tiếm tìm cách lân la nói chuyện, dần dần hai kẻ "máu lạnh" trở nên thân thiết và trở thành "đại bàng" của trại giam Tống Lê Chân. Tiếm chủ động hỏi thăm địa chỉ, số điện thoại của Kiệt để mai này khi ra tù tìm gặp bàn chuyện “làm ăn”.
Huỳnh Văn Tiếm (tên gọi khác là Tím) sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 11 đứa con ở tỉnh Tây Ninh. Gã là con thứ tư. Khi ra tù, thấy lao động chân tay vất vả mà thu nhập lại chẳng đáng là bao, Tiếm vắt óc suy tính cách “làm giàu không khó”.
Một lần, ngồi xem phim, hắn nhìn thấy một vụ cướp tiệm vàng liền nhớ tới người bạn tù Lê Anh Kiệt. Gã bắt đầu bí mật quan sát hoạt động của một số tiệm vàng lớn nằm trên địa bàn huyện Hòa Thành, gần khu vực hắn sinh sống. Sau một thời gian, thấy đã chín muồi, Tiếm lận lưng khẩu K59 từ Tây Ninh xuống Sài Gòn rủ người bạn tù lúc xưa thực hiện cùng.
Lại nói về Lê Anh Kiệt, từ ngày ra trại gã từ bỏ đám đàn em giang hồ năm xưa. Như để bù đắp những năm tháng trước đây đối xử tệ bạc với vợ con, giờ đây gã chăm chỉ cùng vợ làm ăn. Hàng ngày cứ khoảng 3h sáng, Kiệt chở vợ đến chợ đầu mối lấy rau về bán lẻ ở lề đường Lê Văn Lương (quận 7), sau đó bán cơm, chiều chiều lại tạt qua khu chung cư Phạm Thế Hiển chơi cờ tướng với những người hàng xóm năm xưa.
Cuộc sống thong dong, tự tại của tên tội phạm mới ra trại khiến ai cũng nghĩ, Kiệt cuối cùng đã chịu hoàn lương. Thực ra, đó chỉ là cái cớ để y tạo vỏ bọc sâu, nhằm che mắt lực lượng chức năng để thực hiện hàng loạt vụ cướp tiệm vàng về sau.
Ngày 19/9/2000, Tiếm cùng đàn em tên Nguyễn Văn Nhạn (tự Chó Lửa) lận súng vào người rồi phóng xe Honda 67 lên TP HCM rủ Kiệt đi cướp vàng nhưng Kiệt không tham gia mà giới thiệu đàn em tên Lộc.
Vụ đầu tiên cướp tiệm vàng Kim Tân Tiến ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh, Tiếm - Lộc cướp được số vàng trị giá hơn 171 triệu đồng.
>> Chuyện tướng cướp tiệm vàng khét tiếng "máu lạnh"
Theo Ái Thụy (VietNamNet)