Nguyên nhân là do tội phạm lừa đảo công nghệ liên tục thay đổi chiêu thức, biến hóa kịch bản kịp thời theo lời phản biện hoặc thanh minh của nạn nhân. Từ đó, có không ít người yếu vía đã mất từ vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng chỉ sau một cuộc tiếp chuyện qua điện thoại...
Cảnh báo lừa đảo từ cơ quan công an
Đến ngân hàng kiểm tra tài khoản cá nhân vào ngày 7-10-2019, bà Nhan Vi (SN 1973, ngụ Q.Bình Tân) sửng sốt khi phát hiện số tiền 11 tỷ đồng thuộc 2 tài khoản mang tên mình được gửi ở 2 ngân hàng khác nhau đều bị rút sạch. Vì sao bị mất tiền tỷ là câu hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu bà Vi. Sau khi trấn tĩnh, tự hệ thống lại các chuỗi sự kiện, chủ nhân số tiền lớn nghi vấn mình đã sập bẫy lừa qua điện thoại nên tìm đến cơ quan công an trình báo.
Ngày 3-10-2019, bà Vi nhận được cuộc gọi đến từ một số máy lạ. Người gọi tới là đàn ông cho biết đang công tác tại Ngân hàng S.G Bank chi nhánh Đống Đa, Hà Nội. Sau khi giới thiệu đơn vị công tác, người này thông báo bà Vi có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền hơn 36 triệu đồng và đang bị cơ quan công an khởi tố vụ án, tiến tới bắt tạm giam nghi can để điều tra xử lý.
Bỗng nhiên trở thành tội phạm có nhiều khả năng sẽ bị bắt giam nên bà Vi rối trí, hoang mang cực độ, liên tiếp biện minh chắc có sự nhầm lẫn. “Cán bộ ngân hàng” khẳng định lại là chính xác và nhấn mạnh, nếu bà Vi không tin thì sẽ nối máy để được trực tiếp nói chuyện với cơ quan điều tra. Người nói chuyện tiếp theo tự xưng tên Đạt, hiện là điều tra viên, cũng khẳng định đang điều tra vụ án có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của bà Vi.
Để thanh minh mình làm ăn chân chính, bà Vi vô tình tiết lộ nhiều thông tin bí mật cá nhân qua phần gợi ý của “cán bộ điều tra”, trong đó có các tài khoản tiền gửi cá nhân tại ngân hàng. Biết “con mồi” đã đuối sau một lúc bị đe dọa về tinh thần, Đạt đề nghị bà Vi cung cấp số tài khoản cá nhân mang tên bà để cơ quan điều tra “giám định”. Trong lúc rối trí, bà Vi nghĩ đơn giản nếu chỉ cung cấp số tài khoản thì chắc không ảnh hưởng gì đến số tiền trong đó nên tự nguyện làm theo. Kết quả thật tồi tệ khi đến ngày 7-10, do linh tính có gì đó bất thường, bà Vi đi kiểm tra thì thấy 11 tỷ thuộc 2 tài khoản đã bị rút sạch.
Cũng sập bẫy “thanh tra tài chính” có nguy cơ mất toi gần 4 tỷ đồng là trường hợp của ông Trần Anh (SN 1964, ngụ Q.Gò Vấp). Trưa 30-9-2019, ông Anh nhận cuộc gọi đến từ một số máy lạ và người gọi đến tự xưng danh là trung úy Nguyễn Tiến Thành, đang công tác tại Bộ Công an. Cũng rào trước đón sau bằng những lời lẽ mang tính khủng bố tinh thần rồi Thành cho biết, ông Anh đang bị điều tra vì liên quan đến một đường dây tội phạm.
Ông Anh không ngớt biện minh về sự trong sạch của mình thì “cán bộ” này yêu cầu ông đến ngân hàng mở tài khoản rồi chuyển tiền vào đó để phục vụ công tác “thanh tra tài chính” của cơ quan công an. Trong lúc hoang mang, lo sợ liên lụy pháp luật nên ông Anh vội vàng làm theo các hướng dẫn của “cán bộ điều tra”. Cụ thể, ông đã đến ngân hàng mở tài khoản cá nhân rồi chuyển gần 4 tỷ đồng vào đó rồi thông báo cho “cán bộ” biết mọi việc đã hoàn tất. Sau đó, nghi ngờ bị lừa đảo, ông Anh đến cơ quan công an trình báo.
Phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo bằng công nghệ cao được cơ quan công an các địa phương liên tục cập nhật, cảnh báo đến người dân qua nhiều hình thức như họp tổ dân phố, tổ chức tuyên truyền cho trưởng các nhóm tự quản, dán cảnh báo tại nhiều địa điểm dễ nhìn, dễ đọc để người dân có thể nắm bắt mà đề phòng, hoặc thông báo tại cổng thông tin điển tử của Công an thành phố... Qua đó, không ít người dân đã kịp thời phát hiện bị lừa, còn các nhân viên ngân hàng cũng đã ngăn chặn được một số vụ chuyển tiền có nghi vấn lừa đảo.
Tuy nhiên, tội phạm công nghệ luôn thay đổi kịch bản lừa nên không ít người dân vì cả tin khi thấy cuộc gọi đến có đầu số của cơ quan công an nên vội làm theo. Vả lại, rất nhiều người, trong đó có cả những người dày dặn thương trường vẫn nghĩ tiền gửi vào tài khoản của mình thì vẫn là của mình, mà không biết rằng trong lúc tội phạm gọi điện moi móc thông tin, nhiều người đã vô tình tiết lộ bí mật cá nhân và hệ quả là số tiền trong tài khoản đã nhanh chóng bị rút hết, hoặc được chuyển tiếp qua các tài khoản mới rồi cũng bị rút sạch.
Mới đây, vào ngày 4-10-2019, trong buổi tuyên truyền chuyên đề về phòng, chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao, Công an quận 3 cho biết trong 9 tháng đầu năm 2019, đã ghi nhận xảy ra 39 vụ liên quan đến hoạt động lừa đảo tội phạm công nghệ cao với số tiền lừa đảo lên đến hơn 3 tỷ đồng.
Thêm một lần nữa Công an quận 3 cũng như các đơn vị thuộc Công an TPHCM khuyến cáo đến người dân: cảnh giác với việc kết bạn qua các trang mạng xã hội; hạn chế hoặc không đăng tải thông tin cá nhân, gia đình lên mạng xã hội; cảnh giác với các đường link lạ trên mạng xã hội, website thông báo trúng thưởng; khi mua hàng qua mạng phải kiểm tra, xác minh thông tin rõ ràng về công ty bán hàng.
Đặc biệt, khi có người lạ tự xưng là cán bộ nhà nước, thanh tra, công an gọi điện thông báo về việc nợ tiền hoặc liên quan đến hành vi phạm tội và yêu cầu cung cấp tài khoản cá nhân để xác minh... thì không được làm theo để tránh bị dẫn dụ lừa đảo chiếm đoạt mất tài sản.
Theo Bích Châu (Công An TP.HCM)