Cụ ông 90 tuổi đằng đẵng kêu oan cho con trai "người tù lịch sử"

01/12/2015 14:06:47

Sau 15 năm cạn kiệt sức lực vì đi khắp nơi kêu oan cho con trai Huỳnh Văn Nén bất thành, cụ ông quyết ra thủ đô thỉnh cầu lần cuối trong đời thì được phúc đáp.

Sau 15 năm cạn kiệt sức lực vì đi khắp nơi kêu oan cho con trai Huỳnh Văn Nén bất thành, cụ ông quyết ra thủ đô thỉnh cầu lần cuối trong đời thì được phúc đáp.

Nhưng khi nhắc về quãng thời gian 15 năm đằng đẵng kêu oan cho con, giọng ông cụ đầy vẻ ngậm ngùi. Chậm rãi ngấp ngụm trà, ông lão run run, nói: "Giờ thằng Nén được tự do, hạnh phúc lắm. Nhưng tôi không sao tránh được cảm giác tủi phận".

Ông bảo, hành trình kêu oan cho Nén bắt đầu từ lá đơn tố cáo 2 người bạn giết bà Bông mà Nguyễn Phúc Thành gửi về cho Chủ tịch UBND xã Tân Minh Nguyễn Thận. Đây cũng là ngọn đuốc soi đường cho ông lão suốt 5.400 ngày qua.
 

Ông Truyện (phải) chia sẻ niềm vui với bạn bè khi con trai được tự do. Ảnh: Phước Tuấn

 
Tháng 9/2000, sau phiên sơ thẩm tuyên Nén án chung thân, ông đã nhiều lần xin vào trại giam gặp con để động viên làm đơn kháng cáo nhưng không được chấp thuận. "Họ khuyên tôi mức án chung thân đã là nhẹ rồi còn kháng cáo làm gì nữa. Lẽ ra Nén phải bị tử hình. Lúc đó tinh thần và sức khỏe của tôi suy sụp dữ lắm. Về sau khi gặp được nó thì thời hạn kháng án đã hết", ông lão kể.

Không nản lòng, ông cùng ông Thận tìm đến VKSND Tối cao và TAND Tối cao tại TP HCM để đưa đơn giám đốc thẩm bản án. Dù không được hồi đáp nhưng niềm tin con trai bị oan luôn thôi thúc trong lòng ông cụ. Được chủ tịch xã trợ giúp, họ liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin xem xét lại vụ án.

Để có tiền đi lại, cụ ông phải cầm cố đất, hay bán được con cua, ít thóc, hàng cây tràm... ông cũng dành dụm làm lộ phí kêu oan cho con. "Khi vụ ánvườn điều được đưa ra xét xử, các luật sư đấu tranh dữ lắm, tôi cứ tưởng Nén sẽ được giải oan. Nhưng nghiệt ngã là họ chỉ chấp nhận oan khuất trong vụ án này, còn vụ giết bà Bông vẫn không được xem xét", ông lão nói, vẻ trầm ngâm.

Việc kêu oan cho con, lão nông xác định quay về vạch xuất phát, nên lại cùng ông Thận vượt hàng nghìn cây số gõ cửa khắp các cơ quan. Có những ngày Hà Nội lạnh giá, toàn thân hai ông già tê cứng nhưng họ vẫn ôm chặt tập hồ sơ vụ án và lá đơn kêu cứu tìm đến VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước...

Sức khỏe, tiền bạc của hai người đều cạn kiệt nhưng tất cả những nơi họ đến cầu cứu đều không có hồi âm. "Một lần đưa đơn là một lần chờ đợi, ngóng tin. Hồi đầu nóng lòng bao nhiêu thì về sau thất vọng bấy nhiêu. Không thể nhớ có bao nhiêu đêm vợ chồng tôi thức trắng. Chỉ sợ ngủ rồi không thức dậy được nữa, không thể đi kêu oan cho con được nữa", ông nói.
 

Ngày trùng phùng của 2 cha con ông Truyện. Ảnh: Phước Tuấn

 
Năm 2013, dư luận rúng động khi vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được đưa ra ánh sáng, niềm tin bắt đầu le lói trở lại trong ông lão. Sức khỏe đã rất yếu nhưng ông cố vay mượn bà con lối xóm ít tiền, bắt xe từ Cà Mau lên Bình Thuận gặp ông Thận với mong muốn đi cùng ra Hà Nội thêm lần nữa kêu oan cho Nén.

"Lúc này thầy Thận bệnh nặng lắm, nằm liệt giường. Nhưng nghe tôi nói ước nguyện cuối đời vào lần đi này, thầy đồng ý cùng đi", cụ Truyện cho biết.

Chuyến đi định mệnh ấy là tiền đề cho cuộc gặp gỡ giữa VKSND Tối cao với ông Thận tại Bình Thuận không lâu sau đó. Sau khi TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm một phần của vụ án, thời gian điều tra lại khá lâu nên lòng ông nôn nao, lo lắng cho sức khỏe con trai. "Nhiều lần vào thăm, cha con tôi ôm nhau khóc, không biết khi nào nó mới được tự do, mới được giải oan", ông kể.

Mất thêm 2 năm nữa, qua các thủ tục tố tụng, vài ngày trước Huỳnh Văn Nén được đình chỉ điều tra bị can, chính thức được trả tự do. "Tôi có niềm tin vào ngày này của con. Chỉ tiếc là mẹ nó không thể chờ. Trước lúc nhắm mắt bả trăn trối tôi còn sống là phải kêu oan cho nó. Bả chết mà thằng Nén không được nhìn mẹ lần cuối", ông cụ rưng rưng.

"Hôm nhận được tin con tự do mà tôi không nói nên lời. Chân lý đã được thực thi nhưng sao mà khó khăn quá. Nếu các cơ quan tố tụng dám nhìn vào sự thật từ 15 năm trước thì chắc con tôi không phải mang trong mình 2 án oan dài đằng đẵng như vậy", ông tiếp lời.

Nói về hành trình cùng cụ Truyện kêu oan cho Nén, cựu chủ tịch xã Nguyễn Thận cho rằng: "Điểm tựa của chúng tôi chính là tình thương và niềm tin của người cha già. Thấy ông cụ dù già yếu nhưng vì thương con mà miệt mài gõ cửa từng cơ quan đã khiến trách nhiệm, lương tâm buộc tôi phải giúp cụ, cùng nhau đi tìm sự thật cho thân phận người đàn ông cùng khổ Huỳnh Văn Nén".
 

Sáng sớm ông Nén phụ giúp vợ dọn hàng bán đồ ăn sáng. Ảnh:Phước Tuấn

 
Theo hồ sơ vụ án, tối 23/4/1998, ông Nén bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, Cướp tài sản và Cố ý hủy hoại tài sản. Do ông nộp đơn kháng cáo kêu oan quá thời hạn, ngày 12/12/2000, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM không chấp nhận kháng cáo và đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trong thời gian này, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành cải tạo tại trại giam Sông Cái, Ninh Thuận, đã làm đơn tố giác hai người bạn của mình (ngụ cùng địa phương, nghiện ma túy và thường xuyên trộm cắp tài sản) chính là hung thủ giết bà Bông.

Tháng 11/2014, toà Giám đốc thẩm của TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt với ông Nén để điều tra lại. Sau đó, Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã bàn giao hồ sơ cho công an tỉnh này điều tra nhưng không có cơ sở buộc tội ông Nén.

Ngoài ra, trong thời gian bị cáo buộc giết bà Bông, ông Nén còn được xác định liên quan một vụ giết người khác xảy ra trước đó 5 năm (1993). Trải qua quá trình tố tụng kéo dài 12 năm nhưng không tìm được hung thủ, cơ quan tố tụng buộc phải tuyên 9 bị cáo trong "kỳ án vườn điều" này (đều là người trong gia đình vợ Nén) vô tội và phải bồi thường oan sai hơn một tỷ đồng. Riêng ông Nén bị cho là thủ phạm giết bà Bông nên chưa được bồi thường.

Ông Nén là người duy nhất tại Việt Nam 2 lần bị kết án oan trong hai vụ giết người. Dự kiến ngày 3/12 ông sẽ được xin lỗi công khai tại địa phương.
 
>> Minh oan, ông Huỳnh Văn Nén sẽ nhận được bao nhiêu tiền bồi thường?
>> Ai bồi thường cho ông Nén?
>> "Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén: "Ra tù, cái điện thoại di động quá lạ với tôi"

Theo Phước Tuấn (VnExpress.net)

Nổi bật