Cú lừa ngoạn mục từ 'chiêu' trả lại tiền thừa do chuyển nhầm

06/02/2025 20:59:32

Với lý do ghi nội dung không đúng khi đặt cọc phòng nghỉ dưỡng, những kẻ lừa đảo tỏ ra là người tử tế nói sẽ chuyển trả lại số tiền này cho khách. Các đối tượng yêu cầu nhập mã OTP do chúng gửi và sau đó nạn nhân mất tiền tỷ...

Cuộc thao túng của những kẻ mạo danh khu nghỉ dưỡng

Câu chuyện của chị V.T.T trú tại TP Hải Phòng đặt phòng qua fanpage giả mạo Resort M, ở Ninh Bình bị chiếm đoạt tiền tỷ đang gây xôn xao dư luận bởi thủ đoạn tinh vi của những kẻ lừa đảo.

Do có nhu cầu đi du lịch vào những ngày Tết Nguyên đán, chị V.T.T đã tìm hiểu và nhắn tin qua fanpage gắn tích xanh của Resort M ở Ninh Bình. Qua trao đổi, chị đã đặt phòng trong 3 ngày từ 31-1 đến 2-2.

Cú lừa ngoạn mục từ 'chiêu' trả lại tiền thừa do chuyển nhầm
Chị V.T.T đã bị thao túng tâm lý ngay khi nói chuyện với nhân viên sale giả mạo

Nhân viên yêu cầu chị T đặt cọc và chị đã chuyển số tiền theo yêu cầu. Nhưng ngay sau đó fanpage báo giao dịch chưa thành công do khách hàng “ghi sai nội dung” chuyển khoản.

“Bên em là hệ thống ghim phòng tự động nên chị để ý giúp em mọi thông tin chuyển khoản phải chính xác”, sale fanpage lừa đảo nhắn cho khách hàng.

Tiếp đó, sale fanpage lừa đảo yêu cầu chị T chuyển 1 hóa đơn mới, sau đó chụp bill chuyển khoản của cả hai hóa đơn để kế toán của khu nghỉ dưỡng chuyển trả lại tiền chuyển sai ban đầu. Để nhận tiền trả lại, chị T phải đăng ký VNPAY và nhận mã do sale fanpage lừa đảo này gửi.

Nhưng thực chất mã số này chính là số tiền mà những kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt của chị T. Khi chị T nhập dãy số theo lời các đối tượng lừa đảo là mã kích hoạt VNPAY để nhận bồi thường thì số tiền 39.563.253 đồng đã được gửi cho đối tượng lừa đảo.

Ngay sau đó, chúng lại gửi tiếp tin nhắn thông báo là “Hệ thống xác nhận số tiền 39.563.253 đang bị treo...”.

Các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý của chị T tiền đang treo có nghĩa là tiền chưa bị chuyển đi và yêu cầu nhập lại mã do chúng gửi vì thao tác sai và mã các lần tiếp theo là những con số của số tiền tăng dần lên.

Cú lừa ngoạn mục từ 'chiêu' trả lại tiền thừa do chuyển nhầm - 1
Bị thao túng tâm lý, chị T đã liên tiếp chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo

Với suy nghĩ muốn lấy lại tiền và cho rằng tiền đang treo trên hệ thống nghĩa là tiền chưa mất và sẽ tự động nhập lại tài khoản nên chị T đã gửi hết lần này đến lần khác.

Từ số tiền ban đầu, chị đã chuyển 3 lần khác với tổng số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng chị mới nhận ra các mã trên chính là số tiền bị trừ đi trong tài khoản. Tổng số tiền sau hơn 4 lần chuyển lên đến hơn 1 tỷ đồng, chị T mới nhận ra bị sập bẫy lừa đảo. Hiện chị V.T.T đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.

Làm thế nào tránh được các fanpage giả mạo?

Fapage mà chị T tìm hiểu và trao đổi có gắn tích xanh (chính chủ) nên người bị hại hoàn toàn không nghi ngờ về việc mình có thể bị lừa đảo. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều fanpage có gắn tích xanh đã bị các đối tượng hacker chiếm quyền sử dụng. Đại diện Resort M bị giả mạo cho hay, đây không phải là lần đầu fanpage của khu nghỉ dưỡng bị kẻ gian mạo danh để lừa đảo tiền của khách hàng, gây ảnh hưởng tới uy tín của đơn vị.

“Trước Tết Nguyên Đán, chúng tôi đã báo cáo một trang giả mạo. Tuy nhiên, tình trạng tương tự lại mọc lên với nhiều hình thức tinh vi hơn. Những kẻ lừa đảo thường mua một fanpage có lượng người truy cập lớn, sau đó đổi tên trùng với khu nghỉ dưỡng của chúng tôi để lừa đảo” - đại diện Resort M cho biết.

Cú lừa ngoạn mục từ 'chiêu' trả lại tiền thừa do chuyển nhầm - 2
Cẩn trọng khi đặt phòng qua fanpage

Để tránh bị lừa đảo khi gặp fapage giả mạo, người dân có thể tra cứu thông tin trên chính fanpage đó. Chị Trịnh Hiền, Giám đốc Công ty Trịnh Hiền Travel chia sẻ, cách đơn giản để xem trang là hàng thật hay giả có thể làm theo các bước như sau. Click vào phần “about”, sau đó vào mục “see all” - page transparency. Tại đây, nhìn “history” nếu thấy mới đổi tên hoặc nhìn mục người quản lý trang thấy Campuchia, Philippines... thì Facebook này là giả mạo dù có tích xanh.

Theo Thu Ngân (An Ninh Thủ Đô)