Xử lý trách nhiệm cán bộ
. Phóng viên: Thưa ông, liệu có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của địa phương khi chưa làm hết trách nhiệm trong vai trò “trọng tài” thúc đẩy việc thỏa thuận hỗ trợ từ năm 2008 đến nay giữa Công ty Long Sơn và người dân, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng?
+ Ông Lê Diễn: Việc đối thoại giữa người dân và công ty này đã được tỉnh nhiều lần có chỉ đạo. Huyện cũng nhiều lần mời các bên lên để thỏa thuận. Tuy nhiên, phía công ty cũng “cù nhầy” về mức hỗ trợ với người dân nên vụ việc kéo dài. Trong khi đó, phía huyện cũng nhiều lần làm việc và báo cáo tỉnh về quá trình thỏa thuận cũng như các đề nghị của bà con.
Trước mắt, tỉnh tập trung vào đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an dân và tiến tới thành lập các thôn, ban tự quản vì hầu hết dân sinh sống ở khu vực này đều là dân ở các tỉnh khác đến. Về trách nhiệm của các cá nhân, địa phương để xảy ra vụ việc giải quyết kéo dài dẫn đến vụ án đau lòng, tôi đã giao cho các cơ quan liên quan tiến hành làm rõ trách nhiệm. Các cán bộ liên quan cũng phải kiểm điểm trách nhiệm của mình để có hướng xử lý.
. Cụ thể phương án xử lý của tỉnh trong lúc này như thế nào đối với vụ việc xung đột vừa qua giữa dân và doanh nghiệp?
+ Trong tháng 11-2016 này, một đoàn công tác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì sẽ cùng với ban ngành tiếp tục vào khảo sát tình hình trong khu vực người dân sinh sống tại các dự án ở các xã Quảng Trực, Đắk Ngo (huyện Tuy Đức) để có phương án ổn định dân cư. Đồng thời, tiến tới thành lập ban tự quản ở các khu vực này, lập trạm y tế và tiến tới lập xã mới để ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực tế thì cuối năm 2014, tỉnh cũng đã có khảo sát và có đề án về việc ổn định dân cư đang canh tác trên đất lâm nghiệp ở hai xã này.
. Người dân cho rằng có sự ngó lơ, thậm chí “bảo kê”cho doanh nghiệp của cán bộ vì người dân trình báo việc họ bị Công ty Long Sơn “cưỡng chế” đã không được xử lý kịp thời, ông nghĩ sao?
+ Tôi đã giao xác minh làm rõ các biểu hiện buông lỏng, thậm chí làm rõ có việc “bảo kê”, có lợi ích gì với doanh nghiệp hay không. Sau khi làm rõ sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan. Sự việc vừa qua là bài học cho công tác quản lý, bám sát địa bàn, lắng nghe nguyện vọng của người dân khi tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm.
Bà Mai Thị Khuyên ( vợ của bị can Đặng Văn Hiến) ôm một gốc điều có từ lâu năm còn lại sau khi Công ty Long Sơn tự ý san ủi hôm 23-10. Ảnh: N.ĐỨC |
Làm rõ hành vi phạm pháp của Công ty Long Sơn
. Thưa ông, dư luận còn cho rằng Công ty Long Sơn được “chống lưng” bởi khi tỉnh, huyện yêu cầu “nằm im” và phải thỏa thuận với dân nhưng công ty này vẫn bất chấp?
+ Phải khẳng định là ngay từ khi giao đất năm 2008, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Long Sơn thực hiện việc thỏa thuận với người dân đang canh tác. Tuy nhiên, công ty này cứ hứa hẹn rồi không thực hiện. Để xảy ra vụ án trên, trước tiên cái sai của Công ty Long Sơn là tự ý san ủi mà không báo cáo cho chính quyền địa phương. Thứ hai, công ty không có quyền cưỡng chế đất dân đang làm rẫy, dù đó có là đất lấn chiếm. Trong khi tỉnh, huyện chỉ đạo ngưng thì công ty này không tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai. Nói cụ thể hơn là coi thường pháp luật và các chỉ đạo giải quyết của ngành chức năng.
. Như vậy, các cơ quan tố tụng tỉnh có xem xét xử lý hình sự hành vi hủy hoại tài sản người dân và các hành vi liên quan của Công ty Long Sơn đối với các hộ dân thời gian qua không, thưa ông?
+ Tỉnh ủy đã giao cho công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Công ty Long Sơn. Bởi Công ty Long Sơn đã tự ý tổ chức người để cưỡng chế san ủi, lấy đất dân đang trồng điều, cà phê là bậy, một hành vi không chấp hành quy định pháp luật. Họ còn sử dụng lao động vị thành niên. Dù anh là ai, anh phải thượng tôn pháp luật đã. Trong khi các ngành tỉnh, huyện đang nỗ lực kêu gọi dân và công ty tiếp tục thỏa thuận để giải quyết các vấn đề còn tranh chấp thì họ lại tự đứng trên pháp luật.
. Người dân cho rằng việc giao dự án cho Công ty Long Sơn không đúng trình tự quy định, như không khảo sát đất dân đang canh tác nên mới dẫn đến tranh chấp. Trong khi đó, Công ty Long Sơn lại đưa ra mức thỏa thuận 3-5 triệu đồng/ha thì dân không thể chấp nhận?
+ Ngay từ ban đầu, việc giao dự án cho công ty để trồng và bảo vệ rừng là đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, phía công ty đã làm sai trong quá trình thực hiện dự án. Vì UBND tỉnh khi giao dự án đã yêu cầu công ty có trách nhiệm hỗ trợ theo quy định đối với các hộ dân. Tỉnh đang triển khai thu hồi nhiều diện tích của công ty này và chỉ để lại cho công ty này vài trăm hecta (350 ha - NV) đã triển khai dự án. Phần còn lại để phân bố cho người dân theo đề án ổn định dân cư, mỗi hộ chưa có đất sẽ được cấp 1.000 m2 đất thổ cư, 2 ha đất sản xuất và 30 ha đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ và sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh ủy còn giao UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát tất cả dự án, thu hồi những dự án không hiệu quả, có đất dân canh tác để bố trí lại cho dân (những người không có đất).
. Với trách nhiệm là bí thư Tỉnh ủy, vụ án vừa qua có thể xem là bài học trong công tác cán bộ, quản lý đất đai không, thưa ông?
+ Vụ án xảy ra là một tổn thất, đau xót và là bài học lớn trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành liên quan về quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai còn yếu kém. Tranh chấp đất đai còn phức tạp nhưng các ngành, các cấp chưa làm hết trách nhiệm được giao, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ còn hạn chế. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, rà soát, phân loại tích cực giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị còn tồn đọng, nhất là đơn thư liên quan đến dự án nông, lâm nghiệp trên toàn tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời trên tinh thần xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
. Xin cám ơn ông.
Các dự án giao rừng gây ra nhiều hệ lụy Chiều 3-11, bên hành lang Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Nông Ngô Thanh Danh nói với PV: “Tôi biết huyện Tuy Đức đã kiến nghị và tỉnh có chỉ đạo giải quyết mâu thuẫn của người dân với Công ty Long Sơn. Tuy nhiên, do đề xuất của các cơ quan tham mưu chưa sát để xảy ra vụ việc như vừa qua. Vì vậy trong vụ này cũng có trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Chủ trương của tỉnh là không bao che ai cả, tập thể, cá nhân nào có trách nhiệm đều phải bị xử lý”. Về trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc để mâu thuẫn kéo dài và xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ông Danh khẳng định: “Tất nhiên là mấy ông này phải gánh trách nhiệm vì đã biết mà không làm, phải kiểm điểm, phê bình, xử lý đến nơi đến chốn. Về việc dư luận đặt câu hỏi “Có gì đó không ở đây?” thì cũng phải làm rõ”. Ông Danh cho biết khi ông làm bí thư Huyện ủy Tuy Đức (là bí thư Huyện ủy đầu tiên, khi huyện này thành lập năm 2007 - NV) ông đã đề xuất với tỉnh dừng các dự án giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, các dự án thiếu hiệu quả có nguy cơ gây bất ổn về mặt kinh tế, xã hội… Sau đó, tỉnh đã có những chỉ đạo xử lý quyết liệt và một số dự án đã bị dừng lại. Số dự án giao đất, giao rừng tại Tuy Đức trước đây rất nhiều, chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số dự án giao đất, giao rừng cho doanh nghiệp quản lý, sản xuất của tỉnh Đắk Nông nhưng bây giờ đã giảm nhiều. “Các dự án, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp đem lại hiệu quả không cao. Rừng thì mất, đất thì bị lấn chiếm, mua bán trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, dân di cư tự do đến Tây Nguyên ngày càng nhiều, áp lực lớn trong xóa đói, giảm nghèo, học tập, chữa bệnh, đi lại làm ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý địa bàn, quản lý dân cư... Vì vậy, tôi đề nghị thực hiện nghiêm Nghị quyết 112 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh” - ông Danh nói. TRỌNG PHÚ |