Công ty Luật TNHH Pháp Việt do Lê Thị Tuyết (38 tuổi, ngụ TP HCM) làm giám đốc. Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, cùng ngụ TP HCM) cùng làm phó giám đốc.
Quá trình hoạt động, công ty không thực hiện đúng chức năng đăng ký kinh doanh, không có chức năng đòi nợ thuê nhưng tổ chức tuyển dụng lao động phổ thông. Nhân viên khi vào làm việc được ban giám đốc công ty, các trưởng phòng và các nhóm trưởng hướng dẫn các thủ đoạn đe dọa, khủng bố để đòi nợ.
Cơ quan điều tra khám xét trụ sở chính và hai chi nhánh của công ty, thu giữ các tài liệu, chứng cứ, thiết bị liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Thời điểm khám phá chuyên án, công ty này có hơn 200 nhân viên làm việc, gồm: giám đốc, 2 phó giám đốc, 2 trưởng phòng kiêm nhóm trưởng, 20 nhóm (mỗi nhóm có nhóm trưởng và từ 7 đến 22 nhân viên). Châu và Hùng trực tiếp điều hành công ty và cầm đầu băng nhóm tội phạm. Còn Tuyết được hai đối tượng thuê đứng tên làm giám đốc.
“Công an cũng đã cấm xuất cảnh đối với 415 đối tượng này. Qua xác minh khoảng 3 triệu bị hại trên toàn quốc. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an, công an các địa phương cùng hỗ trợ xác minh do số bị hại quá lớn. Hơn nữa, nhiều bị hại không dám ra mặt vì sợ người thân, gia đình biết chuyện họ vay mượn tiền”. Đại tá Lộc thông tin
Theo lời khai của Châu và tài liệu đã thu thập, Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với 6 ngân hàng và công ty tài chính. Sau khi nhận thông tin về các khách hàng vay chưa trả theo hợp đồng (nợ xấu) do các ngân hàng và công ty tài chính chuyển đến, Châu và Hùng phân chia cho các trưởng phòng, các trưởng phòng sẽ phân chia cho các nhóm trưởng để giao cho các thành viên trong nhóm.
Trung bình mỗi tháng công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố. Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả cho từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được. Số tiền này, ban giám đốc công ty trả lương cho nhân viên và mua các công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa khách hàng còn nợ tiền.
Số bị hại quá lớn
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết, đến thời điểm này, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 60 bị can, thu giữ nhiều tỷ đồng và phong tỏa rất nhiều tài sản của các đối tượng có liên quan. Cơ quan điều tra xác định có 415 đối tượng liên quan, trong đó 400 đối tượng trực tiếp là người đòi nợ thuê bằng cách khủng bố buộc các con nợ phải trả tiền vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Đến nay, công an xác định 415 đối tượng này đã đòi nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Phía công an đang yêu cầu ngân hàng, công ty tài chính giao nộp toàn bộ số tiền mà người của Công ty Luật TNHH Pháp Việt đã đòi được. Số tiền này sẽ được coi là tang vật của vụ án và sẽ bị thu giữ. Việc xử lý số tiền này như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án khi đưa vụ án ra xét xử.
“Công an cũng đã cấm xuất cảnh đối với 415 đối tượng này. Qua xác minh khoảng 3 triệu bị hại trên toàn quốc. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an, công an các địa phương cùng hỗ trợ xác minh do số bị hại quá lớn. Hơn nữa, nhiều bị hại không dám ra mặt vì sợ người thân, gia đình biết chuyện họ vay mượn tiền”, Đại tá Lộc thông tin.
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Bộ Công an đã cử 40 đồng chí là các chuyên gia về máy tính thuộc các cục chuyên môn của bộ để hỗ trợ xác minh điều tra. Đến thời điểm này, nếu các tài liệu thu giữ được mà in ra giấy thì phải chất thành cả một thùng container. Việc phá chuyên án lần này có thể xem là sự trưởng thành của Công an tỉnh Tiền Giang. Từ tin báo của quần chúng, cho đến xác lập chuyên án đều có sự phối hợp nhịp nhàng kể cả cấp công an xã, cho đến huyện, tỉnh… Qua đó, ngăn được rất nhiều bị hại tiếp theo.
Theo Nhật Huy (Tiền Phong)